Thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển

(BĐT) - Nhiều dự báo về những cơ hội cũng như thách thức đối với quá trình hội nhập của Việt Nam vừa được các chuyên gia nêu tại Diễn đàn Chính sách thương mại “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU – EVFTA: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Sự nỗ lực của doanh nghiệp chỉ bảo đảm một nửa thành công trong hội nhập. Ảnh: Tiên Giang
Sự nỗ lực của doanh nghiệp chỉ bảo đảm một nửa thành công trong hội nhập. Ảnh: Tiên Giang

Hội nhập phải dựa vào lợi thế so sánh

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Cùng với đó, Việt Nam cần có một động cơ mới để cải cách… và hội nhập như một thời cơ đến “đúng lúc”, được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy, chất xúc tác cho những đổi mới mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi nhìn vào “xuất phát điểm” của kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra những cảnh báo để DN có thể tự nhìn nhận lại vị trí của mình. Theo bà Phạm Chi Lan, nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức trước hết từ vị thế, năng lực còn thấp và những trở ngại bên trong.

Trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam có thứ hạng năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ, mức độ phát triển hoạt động doanh nghiệp đều ở mức thấp nhất, thứ hạng về kết cấu hạ tầng áp chót (chỉ hơn được Peru). Cùng với đó, là những cản trở đối với sự phát triển của khu vực DN trong nước (chỉ số khởi sự kinh doanh thấp, trình độ quản lý thấp, tình trạng công nghệ lạc hậu, trình độ của lực lượng lao động thấp…). Từ những phân tích này, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Triển vọng, cơ hội nhiều nhưng không dễ nắm bắt. Và những cơ hội luôn đi cùng với những thách thức bên trong và bên ngoài”.

Song, trái ngược với những nhận định có phần bi quan trên, TS. Võ Trí Thành chia sẻ, khi nói đến hội nhập, bên cạnh những cơ hội cho nền kinh tế, người ta cứ nói đến việc sẽ mất thị phần trên ngay chính sân nhà, doanh nghiệp sẽ đánh mất thị phần ngay tại thị trường trong nước… “Nhưng theo tôi, nói đến hội nhập thì phải tính trên lợi thế so sánh và cam kết hội nhập, và doanh nghiệp cũng cần tìm hướng kinh doanh dựa trên những điều này. Chúng ta có thể nhập cái tăm nhưng chúng ta lại xuất khẩu con cá” – ông Võ Trí Thành phân tích. 

Hội nhập với những đòi hỏi về cải cách thể chế

Để có thể hội nhập tốt nhất vào kinh tế thế giới, các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những nỗ lực từ bản thân các doanh nghiệp thì vai trò của Nhà nước trong việc cải cách thể chế theo các cam kết hội nhập, việc tạo lập môi trường kinh doanh, cách ứng xử thân thiện, bình đẳng nhất của Nhà nước đối với doanh nghiệp có ý nghĩa tạo nên một nửa thành công trong hội nhập. Mặt khác, việc đối xử bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp được EU đánh giá là một trong các tiêu chí để một nền kinh tế được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất, Chính phủ cần phải tăng cường nội lực để hấp thụ và tận dụng hiệu quả ngoại lực bằng cách nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, cải cách triệt để DNNN, phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước. Riêng đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, Chính phủ cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng, cải cách các thị trường nhân tố (vốn, đất, công nghệ) để biến khu vực tư nhân trong nước thành động lực chính để hiện đại hóa nền kinh tế.

Đối với khối DN đang tạo nên sự tăng trưởng chính cho nền kinh tế (khu vực FDI), theo vị chuyên gia này, cần chọn lọc các dự án FDI, thu hút các dự án có năng lực công nghệ và kinh doanh hiện đại, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp nội địa để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Mặc dù có những thách thức và một vài vấn đề kỹ thuật, nhưng những thỏa thuận theo các FTA (đặc biệt là TPP và EVFTA) về cơ bản nhất quán với những cải cách mà Việt Nam muốn và sẽ theo đuổi trong giai đoạn tiếp theo. Vấn đề chủ yếu là xác định các tiềm năng của con người, thực hiện những cải cách về thể chế và thúc đẩy sáng tạo, đồng thời tận dụng các lợi thế và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào một thế giới, một khu vực đang thay đổi liên tục” – TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm. 

Chuyên đề