Thay thế chung cư cũ: TP.HCM phân cấp mạnh cho quận, huyện

(BĐT) - Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc đầu tư xây dựng lại chung cư cũ là một vấn đề hết sức cấp bách. Để xúc tiến nhanh vấn đề này, Thành phố cần phân cấp, ủy quyền để quận - huyện lập kế hoạch thực hiện, phê duyệt phương án đầu tư và tái định cư.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vấn đề cấp bách

Riêng vấn đề bồi thường, vẫn theo Sở Xây dựng, Thành phố nên đề xuất cơ chế để người dân tự thỏa thuận với nhà đầu tư trong vòng 12 tháng. Phía Sở Xây dựng sẽ thẩm định nhà đầu tư cũng như chất lượng dự án đầu tư; còn quận, huyện lập dự toán kinh phí, thẩm định, phê duyệt kết quả kiểm định chất lượng các công trình chung cư cũ trên địa bàn, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư... 

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, thời gian bồi thường đối với mỗi dự án xây dựng chung cư cũ có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm. Vì vậy, tất cả người dân ở những dự án này cần được tái định cư tại chỗ. Quan điểm của Thành phố là xử lý nhanh để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, chỉnh trang đô thị. Vì vậy, phân cấp mạnh  nhằm đẩy nhanh tiến độ, nhưng cấp quận, huyện cũng cần có điều kiện đủ để làm việc này.

Đại diện của UBND quận 1 nhất trí việc phân cấp xây dựng lại chung cư cũ về cho quận, huyện nhưng đề xuất, nên có đơn giá định mức làm cơ sở cho các cơ quan chuyên môn của quận, huyện tiến hành kiểm định vì hiện nay đa phần là đơn giá tự tính. Tiếp đó, cần có mã số cụ thể để việc kiểm định có căn cứ. Mặt khác, nếu không có kinh phí thì việc kiểm định 89 chung cư cũ trên địa bàn quận 1 rất khó thực hiện. Liên quan đến kinh phí, Sở Xây dựng cho rằng, đây là vấn đề không đáng ngại vì Sở Tài chính sẽ cân nhắc, chuyện còn lại là con người thực hiện như thế nào mà thôi.

Trao quyền để đẩy nhanh tiến độ

Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, chung cư hư hỏng bàn rất nhiều. Thành ủy cũng đã giao cho Sở Xây dựng kiểm định xong 474 chung cư trên địa bàn trong năm 2016. Nếu áp dụng cơ chế cũ thì trong năm 2016 sẽ khó hoàn thành khối lượng công việc này. Cho nên, những việc liên quan đến thủ tục, Sở Xây dựng hướng dẫn, còn quận, huyện phải làm, nghĩa là tăng tính chủ động và trách nhiệm cho quận, huyện, Sở Xây dựng sẽ giám sát.

Đứng ở góc độ pháp lý, Sở Tư pháp TP.HCM cho hay, vấn đề này cần có sự phân cấp từ Trung ương đến Thành phố. Đối với việc tăng cường phân cấp, Sở Tư pháp hoàn toàn đồng tình. Nhưng, việc phân cấp và ủy quyền cần phải làm rõ vì yêu cầu pháp lý của hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Nghĩa là, Thành phố muốn phân cấp thì phải có văn bản, không có thời gian cụ thể; còn ủy quyền thì chỉ trong thời gian ngắn, cụ thể, nếu không thì xảy ra tranh chấp trong thời gian sau này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, cần điều tra xã hội học để nắm rõ các tác động mà chính quyền phải xem xét. Điều tra xã hội học có thể làm ngay và không tốn kém chi phí để nắm nguyện vọng và yêu cầu của người dân. Ngoài ra, để bảo đảm đúng pháp luật, Thành phố nên giao cho quận, huyện chủ động rà soát các chung cư, chuyển hồ sơ về Sở Xây dựng rồi Sở mới ban hành quy định. Việc tháo dỡ nhà chung cư cũng giao cho quận, huyện phê duyệt phương án tháo dỡ và triển khai thực hiện.

Để bảo đảm tiến độ triển khai cũng như quyền lợi chính đáng của người dân, ông Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, lưu ý đến tính minh bạch, rõ ràng, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Đặc biệt, cố gắng đánh giá và phân nhóm ra để tạo thuận lợi, và giải quyết khó khăn, đi đến hài hòa lợi ích giữa các bên. Tính toán quỹ nhà tạm cư một cách cụ thể, đồng thời tổ chức tạm cư hoặc nhận tiền, nhưng quỹ đó cũng phải tương đối để chờ nhà mới, vì không phải nhà đầu tư nào cũng có nhà tạm cư sẵn.                 

Chuyên đề