Thay đổi tư duy để phát triển bền vững

(BĐT) - Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nếu không có biện pháp kịp thời bảo vệ môi trường thì sẽ rơi vào tình trạng quá ngưỡng có thể khắc phục lại. 
Chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án bảo đảm yếu tố “xanh”. Ảnh: Nhã Chi
Chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án bảo đảm yếu tố “xanh”. Ảnh: Nhã Chi

Chính phủ, trong phát triển kinh tế - xã hội, sẽ ưu tiên đầu tư cho môi trường, không hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế.

Thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường

Phát biểu tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, PTBV đang nổi lên như một vấn đề hết sức bức bách, trở thành trọng tâm trong các vấn đề nhưng trong các kế hoạch, chương trình hành động thì ít được quan tâm. Chúng ta thường xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ lồng ghép nên việc thực hiện hay bị coi nhẹ, trở thành nhiệm vụ thứ yếu và dễ bị “bong” ra ngoài.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách thức tiếp cận, thay đổi tư duy và nhận thức đối với việc bảo vệ môi trường và PTBV. Theo đó, cần phải đưa việc bảo vệ môi trường vào một trong các ưu tiên cao nhất của Chính phủ, trở thành điểm nhấn trong hành động, trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Điều lo ngại của Việt Nam hiện nay là những vấn đề về môi trường đã không còn là nguy cơ, sự đe dọa nữa mà đã trở thành sự thực hiện hữu. Khi chúng ta có cách thức tiếp cận khác đi về môi trường, chúng ta xác định việc bảo vệ môi trường là trọng yếu thì tất cả những quy hoạch đi ngược lại với PTBV, tổn thương đến môi trường sẽ bị loại bỏ, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện kế hoạch hành động và các mục tiêu PTBV, trong đó có bảo vệ môi trường. Đồng thời sẽ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về các mục tiêu PTBV, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo cả mục tiêu phát triển mọi lĩnh vực; huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV. 

Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho môi trường

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, có 3 trụ cột trong PTBV là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và lấy phát triển con người làm yếu tố trung tâm của PTBV. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, suất đầu tư của các dự án bảo đảm yếu tố “xanh”, bảo vệ môi trường thường cao hơn rất nhiều so với suất đầu tư thông thường, do đó cần có các cơ chế tài chính để bù đắp. Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình để sử dụng tốt nhất các nguồn lực, trong đó sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án bảo đảm yếu tố “xanh”; đồng thời kêu gọi toàn xã hội, các cấp, các ngành tham gia, đóng góp cho sự PTBV của môi trường.

Đối với một đất nước như Việt Nam, sức ép về tốc độ tăng trưởng là rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ luôn quan tâm và ưu tiên các yếu tố liên quan đến môi trường và khẳng định rằng, PTBV chỉ có thể thực hiện khi có sự đồng lòng, ủng hộ của không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, mà phải có sự tham gia của toàn xã hội.

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng đã chỉ ra không ít thách thức đối với môi trường hiện nay như vấn đề phát thải; thiếu cơ chế đối thoại trong việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường; trong triển khai các quy hoạch, dự án vẫn có nguy cơ làm tổn thất lớn cho môi trường… Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng cho biết, việc huy động tổng nguồn lực tham gia thực hiện mục tiêu PTBV, bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giảm mạnh… Vì thế, bên cạnh việc huy động các nguồn lực trong nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nâng cao năng lực thể chế và nguồn lực tài chính để đầu tư bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Chuyên đề