Thay đổi để đón đầu dòng vốn FDI chất lượng cao

(BĐT) - Dù Việt Nam được đánh giá là thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều biến động, áp lực cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gia tăng, việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI là hết sức cấp thiết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Lê Tiên
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Lê Tiên

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đặt ra vấn đề này tại Hội nghị tham vấn về Dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI đến năm 2030.

Hội nghị được tổ chức tại Vĩnh Phúc, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và gần 500 đại biểu từ Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp các địa phương, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự.

FDI tiếp tục là cấu phần quan trọng của nền kinh tế

Đánh giá về vai trò của khu vực FDI trong 30 năm qua, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án FDI tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57% tổng vốn đầu tư đăng ký. FDI đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trong bối cảnh mới là hết sức cấp thiết

Vốn FDI đã trở thành nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn; gia tăng năng lực sản xuất; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực; bước đầu hình thành mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; đóng góp cho ngân sách nhà nước; hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực, năng suất lao động của nền kinh tế và trở thành một động lực của tăng trưởng.

Sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước. FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Trong giai đoạn đầu, FDI đã góp phần khai thông, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn, bình thường hóa quan hệ với các quốc gia. Trên cơ sở đó, khu vực FDI tiếp tục được khẳng định là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài.

Đề xuất 8 nhóm giải pháp thu hút và sử dụng FDI

Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong thu hút vốn FDI thời gian qua, cộng với những biến động của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn này giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhận diện, dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm; những thay đổi và xung đột thương mại trên thế giới có tác động đến điều chỉnh dòng đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; áp lực cạnh tranh thu hút vốn FDI của một số nước trong khu vực ngày càng tăng; cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đánh giá, nhận diện các thách thức trong thu hút FDI thời gian tới 

Theo ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện có 3 xu hướng mới trên thế giới, đó là xu hướng công nghiệp 4.0; toàn cầu hóa và xu hướng đảo chiều với sự thay đổi tương quan sức mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới; ứng phó với biến đổi khí hậu. Những xu hướng này tác động đến các dòng đầu tư trong tương lai, do đó Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội, biến thách thức thành thế mạnh.

Trước bối cảnh đó, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là Việt Nam phải tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Đề án đề xuất trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp chủ yếu như: Thống nhất nhận thức và hành động để triển khai các chủ trương, chính sách về FDI; Hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; Vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường; Khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI; Thu hút và sử dụng FDI gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; Điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng FDI liên quan đến các cam kết quốc tế; Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng FDI.

Chuyên đề