Thảm, đinh trong môi trường đầu tư

Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng lại “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Đó là thực tế đáng buồn, thậm chí là đáng xấu hổ của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chỉ tính riêng trong quý I/2016, đã có hơn 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Chỉ tính riêng trong quý I/2016, đã có hơn 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Nghị trường Quốc hội trong phiên họp cuối tuần qua đã “nóng” lên bởi phát ngôn ấn tượng của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), khi đề cập chuyện cần tạo lập “môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh”.

Không nói tới các “môi trường” khác, như văn hóa - xã hội, môi trường sống mà vị đại biểu này đề cập, chỉ nhắc tới môi trường đầu tư - yếu tố đầu tiên được đại biểu Lê Như Tiến nhắc tới - cũng đã có nhiều vấn đề.

“Chúng ta tha thiết mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện là những rào cản, những barie vô hiệu hóa”, đại biểu Lê Như Tiến nói và minh chứng rằng, nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu, trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

Thậm chí, nhắc tới việc trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội gần đây, có đại biểu đã phải thốt lên rằng “đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”, đại biểu Lê Như Tiến cảm thán: “Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm, nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”.

Đúng là rất nhiều thảm, thảm đỏ đã được Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng trải để thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong quý I/2016, đã có hơn 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam. Song thảm cũng nhiều, mà đinh cũng không ít.

Chỉ mới cách đây ít ngày, UBND tỉnh Hải Dương đã phải mở một cuộc họp báo, với mong muốn các cơ quan truyền thông có thể thông tin, tuyên truyền ,góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội đối với quá trình triển khai Dự án Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương).

KCN này được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập từ tháng 8/2008, nhưng cho tới nay, vẫn chưa thể triển khai. Lý do là, chủ đầu tư trước đây - Công ty Phúc Hưng (Đài Loan) - ngay từ những năm 2009 - 2010, khi bắt đầu triển khai thi công hạ tầng Dự án, đã bị một số hộ dân ra cản trở. Khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất, nên dự án bị chậm tiến độ. Cộng thêm sau này, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ đầu tư gặp khó khăn, nên dự án bị đình trệ.

Tưởng đâu Dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền sẽ sớm được hồi sinh sau khi Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam Singapore (VSIP JSC) nhận chuyển nhượng dự án từ Phúc Hưng vào đầu năm ngoái. Song thực tế, tháng 5 năm ngoái, khi VSIP Hải Dương triển khai thi công, lại tiếp tục có một số người dân kéo ra cản trở thi công, khiến việc thi công bị đình trệ cho đến nay.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, VSIP là một nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN, song đã gần 1 năm trôi qua, nhà đầu tư này cũng chưa thể làm sống lại KCN hoang tàn nhiều năm. Lý do chỉ vì bị người dân cản trở, trong khi trên thực tế, đã có hai dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư vào KCN này, với tổng vốn đăng ký 152 triệu USD. Ngoài ra, một số dự án cũng đang hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

“VSIP cho biết, họ phấn đấu lấp đầy diện tích KCN vào cuối năm 2016 nếu được bảo vệ thi công đúng kế hoạch”, ông Vương Đức Sáng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói và cho rằng, việc xây dựng và sớm hoàn thiện hạ tầng KCN Cẩm Điền - Lương Điền vào thời điểm này là rất cần thiết và cấp bách để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sau một thời gian tài nguyên đất không được sử dụng hiệu quả. “Việc triển khai sớm cũng để tạo niềm tin của cán bộ, nhân dân địa phương, tạo sự đồng tình ủng hộ việc triển khai Dự án, là giải pháp giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để thu hút đầu tư tiếp”, ông Sáng nói.

Thực ra thì 2 năm trước đây, Hải Dương cũng từng gặp trường hợp tương tự, với việc thi công hạ tầng KCN Lai Vu, bị nhiều người dân ra cản trở, đập phá. Tất cả cũng xuất phát từ những vướng mắc trong thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng.

Khó có thể đổ hết trách nhiệm cho người dân trong câu chuyện này, bởi người dân bàn giao đất cho Nhà nước, họ có quyền đòi hỏi những lợi ích hợp pháp và hợp lý, vấn đề là chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc và giải quyết kiến nghị của người dân thế nào. Dù vậy, những hành động bột phá của người dân đã chẳng khác nào những “mẩu đinh” nhọn làm xấu đi “tấm thảm đỏ” mà Việt Nam đang nỗ lực trải để thu hút đầu tư. Hệ quả là, dự án chậm triển khai, thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội…

Không chỉ là chuyện ở Hải Dương, vụ việc mới đây tại KCN Tân Đức (Long An) thậm chí còn đáng buồn và đáng xấu hổ hơn thế. Bởi không phải là người dân, mà lại chính là chủ đầu tư hạ tầng KCN đã đứng ra chắn rào, cắt nước… Công ty Tango Candy (Nhật Bản).

Khi hình ảnh ông giám đốc 77 tuổi người Nhật Bản Tango Hirosuke một mình đứng ra bảo vệ Công ty, bảo vệ công nhân, kiên quyết không đóng khoản phí thiếu minh bạch và bất hợp lý lan truyền trên các phương tiện truyền thông, dư luận gọi đó là “nỗi xấu hổ” của người Việt. Càng xấu hổ hơn nữa khi sau vụ việc, cũng chính ông giám đốc đó đã gửi thư xin lỗi người dân Việt vì đã làm mất thời gian của mọi người bởi những lình xình liên quan đến công ty của ông. Ông cũng đã gửi lời xin lỗi tới các doanh nghiệp Nhật và bày tỏ mong muốn rằng, “những vấn đề của cá nhân tôi, công ty tôi sẽ không làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ tốt đẹp của các doanh nghiệp về Việt Nam và người Việt”.

Đó thực sự là bài học quý về cách đối nhân xử thế. Âu cũng là bài học để từ đó, Việt Nam biết làm thế nào để bớt đi những “mẩu đinh” dưới tấm thảm đỏ. Bài học để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chuyên đề