Thách thức triển khai dự án PPP cấp nước

(BĐT) - Việc thu hút các nguồn vốn xã hội để phát triển hạ tầng cấp nước được cho là một giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, lĩnh vực cấp nước vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân.
Nguyên nhân khiến nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà với các dự án PPP cấp nước một phần là do đặc thù mang tính phúc lợi xã hội cao, khó bảo đảm được lợi nhuận cho DN
Nguyên nhân khiến nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà với các dự án PPP cấp nước một phần là do đặc thù mang tính phúc lợi xã hội cao, khó bảo đảm được lợi nhuận cho DN

Xu hướng tất yếu

Theo dự báo, nhu cầu vốn đầu tư các dự án cấp nước ở Việt Nam trong 5 năm tới là rất lớn, khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bút, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, trong bối cảnh nguồn vốn ODA giảm dần, ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn lực từ khu vực tư nhân là rất cần thiết.

Ông Peter Moore, Chủ tịch Hội Ngành nước Australia cho biết, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trở nên hấp dẫn với chính phủ các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), vì nó được đánh giá như một cơ chế ngoài ngân sách phục vụ cho phát triển hạ tầng, bao gồm lĩnh vực cấp nước. Mô hình này sẽ giúp tăng cường cung cấp các dịch vụ cấp nước sạch sinh hoạt. PPP còn giúp đưa ra những lựa chọn tốt hơn về thiết kế, công nghệ, xây dựng, sự vận hành và chất lượng dịch vụ về cung cấp nước sạch.

Xu hướng hiện nay trong đầu tư các công trình cấp nước là thị trường hoá trong cung ứng dịch vụ, áp dụng mô hình nhà nước và tư nhân kết hợp trong quản lý và đẩy mạnh tham gia của tư nhân trong quản lý vận hành hệ thống cấp nước. Hiện nay, các hình thức hợp đồng thực hiện PPP phổ biến cho các công trình cấp nước nông thôn là BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành).

Để thúc đẩy thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực cấp nước, ông Lương Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tập trung lựa chọn các dự án cấp nước tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao. Hơn nữa, cần bố trí nguồn vốn ngân sách tập trung để sẵn sàng phân bổ cho các dự án PPP được lựa chọn. Và điều quan trọng là sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế đối với chương trình PPP tại Việt Nam.       

Chưa thu hút được nhà đầu tư

Theo dự báo, nhu cầu vốn đầu tư các dự án cấp nước ở Việt Nam trong 5 năm tới là rất lớn, khoảng 10 tỷ USD. 
Thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho thấy, hiện nay khoảng 16.000 công trình cung cấp nước nông thôn ở Việt Nam đang được quản lý theo các mô hình như cộng đồng, hợp tác xã, trung tâm nước sạch, tư nhân, DN (chủ yếu là công ty cấp nước của tỉnh, các công ty cổ phần, công ty TNHH), UBND, ban quản lý. Trong các mô hình này thì mô hình cộng đồng quản lý chiếm đến 73,48%, tiếp đến là UBND xã quản lý (chiếm 13,11%), riêng DN quản lý chỉ chiếm 4,2%, còn tư nhân quản lý cực kỳ khiêm tốn (khoảng 0,4%).

Đại diện trung tâm này đánh giá, nhược điểm chung của các mô hình quản lý này là có tính chuyên nghiệp thấp; trình độ và năng lực quản lý rất yếu; sự minh bạch về tài chính rất khó được kiểm tra và xác định; chất lượng nước, số lượng nước không kiểm soát được, dẫn đến mất sự tin tưởng của người dân… Qua so sánh, các công trình tập trung do các đơn vị, DN nhà nước và các công ty tư nhân, cổ phần quản lý hoạt động tốt hơn những hệ thống do hợp tác xã, UBND xã hay cộng đồng quản lý, vận hành.

Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP được ban hành nhằm tạo khung pháp lý cho việc huy động các nguồn vốn từ tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, trong đó có cấp nước. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân, các dự án PPP ngành nước vẫn chưa tạo được sức hút đối với khu vực tư nhân. Về vấn đề này, ông Lương Văn Anh cho biết, nguyên nhân khiến nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà với các dự án PPP cấp nước một phần là do đặc thù mang tính phúc lợi xã hội cao, khó bảo đảm được lợi nhuận cho DN.

Chuyên đề