Thách thức thu hút đầu tư vào hạ tầng

(BĐT) - Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 dự báo khoảng 24 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức đầu tư 5 năm trước đó. Trong khi đó, “khoảng trống” tài trợ có xu hướng tăng dần nên việc thu hút đầu tư vào hạ tầng thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức.
Thách thức thu hút đầu tư vào hạ tầng

Đó là vấn đề được các chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm, thảo luận tại Hội thảo Chiến lược tài chính hạ tầng cho phát triển bền vững tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. 

Không ít thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương, kết cấu hạ tầng được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Thời gian qua, hạ tầng Việt Nam đã được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, thời gian tới, việc đầu tư hạ tầng sẽ gặp phải nhiều thách thức, nhất là về nguồn vốn đầu tư. Lý do là nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình; thị trường tín dụng trong nước đối với các dự án PPP (đặc biệt đối với hạ tầng giao thông đường bộ) đã ở mức cao, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ. Các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng đổi mới còn chậm, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro (rủi ro doanh thu, rủi ro tỷ giá…) nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, quy định hiện hành về trần nợ công cũng ảnh hưởng đến việc huy động vốn nước ngoài…

Tại Hội thảo, ông Trần Hưng, chuyên gia tư vấn của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (ESCAP) cho rằng, thời gian tới, ngân sách thâm hụt sẽ ảnh hưởng đến việc “rót” vốn cho các dự án hạ tầng. Thực tế cũng đã cho thấy, trong những năm gần đây, chi đầu tư phát triển trong ngân sách nhà nước sụt giảm rất nhiều qua các năm. Mặt khác, do phân cấp mạnh mẽ, các địa phương không đủ năng lực để lập kế hoạch phát triển hạ tầng một cách hiệu quả, đạt hiệu quả thấp. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng: “Trong phạm vi ngân sách đầu tư phát triển, các dự án đầu tư không thực sự phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 của Chính phủ”.

Bên cạnh đó, một số thách thức khác trong thu hút đầu tư vào hạ tầng được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo là thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển (năng lực hạn chế của các ngân hàng trong nước, các công cụ chứng khoán chưa phổ biến, thị trường trái phiếu quy mô nhỏ…); thiếu năng lực trong chuẩn bị và đề xuất dự án, thiếu danh mục các dự án khả thi có thể tài trợ… 

Khuyến khích đầu tư tư nhân

Đa số chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào hạ tầng, song nếu biết tiếp cận thị trường vốn cho các dự án hạ tầng, phát triển thể chế và năng lực thì Việt Nam vẫn hiện thực hóa các cơ hội thu hút đầu tư. Trong đó, nâng cao hiệu quả đầu tư công, huy động nguồn lực trong nước và khuyến khích đầu tư tư nhân vào hạ tầng được xem là những giải pháp then chốt.

Một chuyên gia của ESCAP cho rằng, Việt Nam nên huy động các nguồn lực trong nước cho phát triển hạ tầng thông qua cải cách về thuế; đồng thời đảo ngược xu hướng suy giảm nguồn thu trên GDP và cân bằng chi đầu tư phát triển trong ngân sách nhà nước. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn đang thiếu môi trường khuyến khích đầu tư tư nhân. Hệ thống pháp lý, trong đó có khung pháp lý về PPP phức tạp và chưa đồng bộ.

Để khắc phục những bất cập này, ông Trần Hưng cho rằng, Việt Nam nên có những chính sách khuyến khích thúc đẩy mô hình PPP thực sự, thiết lập các quỹ và cơ chế tài chính cho phát triển hạ tầng; đồng thời bảo đảm hạn chế bớt các rủi ro chính trị và pháp lý cho nhà đầu tư cũng như dỡ bỏ các rào cản đầu tư. Chính phủ nên sử dụng nguồn lực nhà nước (bao gồm cả ODA) làm đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng. Cùng với đó, cần đơn giản các thủ tục thực hiện dự án cho doanh nghiệp.

Chuyên đề