Tạo đà khởi nghiệp trong nông nghiệp

(BĐT) - Để hoàn thiện Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng nhiều chính sách tạo đà, thúc đẩy DN khởi nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Dự kiến, Nhà nước sẽ dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Lê Tiên
Dự kiến, Nhà nước sẽ dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Lê Tiên

Cân nhắc tên gọi “khuyến khích” doanh nghiệp

Bộ KH&ĐT cho biết, để thực hiện một số chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Ban soạn thảo Nghị định đã nghiêm túc rà soát, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo hướng đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông nghiệp, tăng cường các hỗ trợ đối với DN có mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngày 25/8/2017, tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã họp với các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước để thống nhất một số nội dung và nguyên tắc chính nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Theo đó, về tên gọi, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc lại nội dung khuyến khích DN hay phát triển DN nông nghiệp, nông thôn; đồng thời xem xét bổ sung vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp. Để thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp, Dự thảo Nghị định đã xây dựng các chính sách theo hướng tăng khả năng tiếp cận của DN, hướng tới DN có quy mô nhỏ hơn; các thủ tục hành chính cũng đã được lồng ghép, rút gọn theo hướng đặc thù, giúp DN khởi nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian tham gia thị trường; bổ sung nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ DN khởi nghiệp; hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. 

Kỳ vọng 30.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Mặc dù ngân sách khó khăn, nhưng trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn được ưu tiên với khoảng 886.000 tỷ đồng, bằng 51% tổng vốn đầu tư phát triển.
Ban soạn thảo Nghị định cho biết, để tạo đà và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Dự thảo Nghị định đã đưa ra các quy định để tối đa hóa các hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho DN như ưu đãi về thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, việc hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn giảm thuế, phí, thủ tục hành chính được đánh giá là rất quan trọng, tạo đà cho DN phát triển một cách bền vững và cũng sẽ lựa chọn được DN có mong muốn đầu tư lâu dài vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ gián tiếp sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn hơn cho DN, thể hiện cam kết về Chính phủ kiến tạo, quyết liệt hành động, lấy DN và người dân làm đối tượng phục vụ. Theo tính toán, chính sách này của Chính phủ sau khi đi vào cuộc sống sẽ huy động khoảng 30.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (tương đương 5% tổng số DN) với mức miễn giảm (hỗ trợ gián tiếp) khoảng 20.000 tỷ đồng/năm cho các DN.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là phổ biến. Đây cũng là xu hướng tiếp cận của quốc tế, nhằm đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến thẳng DN. Vì nếu đưa qua ngân hàng hiệu quả sẽ kém hơn do ngân hàng cũng là DN nên phần hỗ trợ của Nhà nước sẽ bị chia cho ngân hàng theo nhiều cách. Hiện nay, một số nước trên thế giới cũng đang thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho DN như: Nhật Bản hỗ trợ 2,5 tỷ Yên cho các DN đầu tư các lĩnh vực ưu tiên, chủ yếu là vào nông nghiệp, nông thôn; Đức hỗ trợ khoảng 14 tỷ Euro/năm; Ailen 7 tỷ Euro/năm… 

Theo Bộ KH&ĐT, chính sách hỗ trợ DN thực chất là gói đầu tư của Nhà nước để tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng GDP cho nền kinh tế mà các nước phát triển đã thực hiện từ nhiều năm qua (ngoài tín dụng thông thường và tín dụng ưu đãi). Vì vậy, việc hỗ trợ gián tiếp phải là trọng tâm nhưng vẫn cần hỗ trợ trực tiếp vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên theo định hướng của Chính phủ.

Dự kiến, Nhà nước sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng/năm để hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây vẫn là mức hỗ trợ thấp khi chỉ bằng khoảng hơn 1% ngân sách đang đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; bằng 1/6 nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Chương trình nông thôn mới và bằng 1/7 nguồn vốn đầu tư qua Bộ NN&PTNT. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, mức hỗ trợ này vẫn sẽ có tác dụng lớn trong việc dẫn dắt, thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại đầu tư công.

Chuyên đề