Tại sao Đồng Nai muốn chủ trì đầu tư cầu Cát Lái?

(BĐT) - Liên tiếp trong vài ngày gần đây, tại TP.HCM cũng như Đồng Nai, các cuộc họp bàn liên quan đến câu chuyện đầu tư xây dựng cầu Cát Lái đều có chung nội dung: Đồng Nai muốn giành quyền chủ động trong việc triển khai dự án này. 
Cầu Cát Lái nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai, thay thế phà Cát Lái hiện hữu. Ảnh: Tường Lâm
Cầu Cát Lái nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai, thay thế phà Cát Lái hiện hữu. Ảnh: Tường Lâm

Tại sao một dự án hạ tầng giao thông lớn mang tính kết nối giữa hai địa phương vốn dĩ do TP.HCM đề xuất lại được TP.HCM tỏ ý “nhường” cho Đồng Nai?

TP.HCM là đơn vị đề xuất dự án

Đầu tiên là cuộc họp do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ động làm việc với phía TP.HCM để tìm phương án triển khai, kiến nghị Đồng Nai sẽ chủ trì triển khai kế hoạch xây dựng Dự án. Tiếp theo, ngày 3/8/2018, trong buổi làm việc giữa các ban ngành của TP.HCM và Đồng Nai, các bên đã có sự đồng thuận tuyệt đối khi TP.HCM nhất trí việc triển khai dự án này sẽ thuộc về tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, tháng 5/2017, trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung cầu Cát Lái vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Cây cầu này nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai, thay thế phà Cát Lái đang hoạt động. Cầu Cát Lái có tổng chiều dài 4,5 km, mặt cắt ngang đường 60 m, bao gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Theo dự kiến, cầu được xây dựng từ năm 2017 - 2020.

Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cho rằng, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các khâu liên quan đến Dự án diễn ra khá chậm. Do đó, Đồng Nai đã bày tỏ quan điểm muốn thay TP.HCM chủ trì thực hiện Dự án, sớm thay thế bến phà Cát Lái hiện đang quá tải.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, trước khi TP.HCM đề xuất Dự án với Thủ tướng Chính phủ, đã có hai đơn vị xin đầu tư và đưa ra phương án xây dựng cầu Cát Lái. Đó là Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194 (Công ty 194) và Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - Công ty CP Tập đoàn Ðức Bình - Công ty CP Đầu tư Cái Mép. Công ty 194 đưa ra 2 phương án xây dựng cầu với các mức đầu tư là 5.717 tỷ đồng và 4.447 tỷ đồng. Trong khi đó, Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco 1 - Ðức Bình - Cái Mép đưa ra phương án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT. Ðến thời điểm hiện tại, TP.HCM vẫn chưa công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án này sẽ theo phương án nào.

Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao Dự án lại chưa được TP.HCM quan tâm. Quan trọng nhất, theo Sở GTVT TP.HCM, hiện Thành phố còn có rất nhiều dự án giao thông cấp bách hơn cần ưu tiên triển khai. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Văn Tám cho biết, hiện Thành phố khó khăn về nguồn kinh phí nên chưa triển khai nhanh được dự án này. 

Đồng Nai “mặn mà” với cầu Cát Lái

Tại buổi làm việc ngày 3/8/2018, phía Đồng Nai đã chủ động đưa ra phương án xây dựng Dự án. Theo tính toán của Đồng Nai, cầu Cát Lái sẽ có chiều dài 3.782 m, phần cầu chính dài 650 m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Cầu có tĩnh không thông thuyền 55 m, rộng 37,7 m, gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5 m. Tổng mức đầu tư là 7.182 tỷ đồng.

Nếu như TP.HCM vì nhiều nguyên nhân mà nhanh chóng đồng thuận việc “nhường” quyền chủ trì xây dựng cầu Cát Lái, thì Đồng Nai lại có nhiều lý do để muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, Nhơn Trạch là địa bàn đặc biệt quan trọng đối với kinh tế Đồng Nai. Huyện Nhơn Trạch tập trung nhiều khu công nghiệp đang hoạt động với hàng ngàn nhà máy nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới TP.HCM cũng như các cảng trong khu vực rất lớn. Toàn bộ lưu lượng hàng hóa, vận tải của Nhơn Trạch hiện phụ thuộc hoàn toàn vào phà Cát Lái vốn luôn trong tình trạng quá tải dẫn đến khó khăn cho các DN trên địa bàn. “Đây có thể nói là điểm nghẽn mà chúng tôi muốn khơi thông nhất hiện nay để phát triển”, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Dễ hiểu hơn, trong khi tiềm năng phát triển của Khu đô thị Nhơn Trạch là rất lớn do vị trí đặc biệt tiếp giáp với TP.HCM, nhưng chỉ vì chưa đồng bộ hạ tầng giao thông nên hàng trăm dự án bất động sản, du lịch… của Nhơn Trạch vẫn đang “ngủ đông” chờ cơ hội.

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Cần phải sớm đầu tư cầu Cát Lái vì nhu cầu hiện tại rất bức thiết. Đồng Nai xem đây là dự án ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới để thực hiện việc phát triển đô thị Nhơn Trạch”.

Chuyên đề