Tái cơ cấu là con đường để đạt mục tiêu

Yêu cầu trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế đã được xác định với 3 nội dung chủ đạo, đó là thị trường tài chính, đầu tư công, DN Nhà nước. Với những chính sách mà Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua để đẩy mạnh tái cơ cấu, hoạt động này đã đạt những kết quả khá tích cực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, đáng ghi nhận là kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ được ổn định trong lúc kinh tế thế giới không thuận, kinh tế trên đà phục hồi, môi trường kinh doanh có sự cải thiện, hiệu quả đầu tư và năng suất lao động tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thành quả là thế nhưng chưa thể hài lòng với tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập mới.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Tốc độ cổ phần hóa còn chậm, những ưu đãi cho DN Nhà nước vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường. Quá trình xử lý nợ xấu kéo dài, cơ chế xử lý nợ xấu chưa căn cơ và thiếu minh bạch.

Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta không thiếu nguồn lực mà vấn đề là sử dụng kém hiệu quả và đó là vấn đề cần giải quyết của tái cơ cấu nền kinh tế. Bài học từ thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh cho thấy, chỉ khi có mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực và ấn định thời hạn phải đạt được cũng như gắn với trách nhiệm của bộ ngành, tốc độ vận hành của bộ máy Nhà nước mới thực sự được đẩy nhanh.

Như vậy, tái cơ cấu quan trọng không phải là mục tiêu, mà là con đường, là kế hoạch và lộ trình để đạt được mục tiêu cụ thể. Do đó, mục tiêu tái cơ cấu phải được xác định rõ ràng và định lượng được cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, cần hình thành liên minh cải cách giữa các cơ quan, các cấp, các ngành mới có được sự đồng tâm, đồng bộ trong cải cách, tăng hiệu quả tái cơ cấu, bởi nếu không có quyết tâm cao nhất và triển khai tái cơ cấu kinh tế có hiệu quả, chúng ta sẽ tụt hậu trong phát triển so với các nước trong khu vực.

Ví dụ như với tăng trưởng 5%/năm, đến năm 2035, Việt Nam mới bằng 83% tổng thu nhập quốc dân GDP của Thái Lan hiện nay. Đặc biệt, nếu trong giai đoạn 2016 – 2020 Việt Nam không đạt được tốc độ, hiệu quả tái cơ cấu nhanh và mạnh, chắc chắn chúng ta sẽ càng “lận đận” trong hội nhập, khi tham gia cùng các đối tác lớn của Hiệp định TPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.

Chuyên đề