Sửa luật để tăng hiệu quả đầu tư công

(BĐT) - Việc sửa Luật Đầu tư công phải đi đúng vào những vấn đề vướng mắc do quy định của Luật, tháo gỡ thực sự các khó khăn, các thủ tục rườm rà gây chậm trễ trong thực thi, vì cũng có nhiều vấn đề không phải do Luật mà do tổ chức thực hiện. Đồng thời, những nội dung sửa đổi cần tính đến sự ổn định lâu dài của Luật.
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần bám sát quan điểm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần bám sát quan điểm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Phải trúng những vấn đề gây vướng mắc

Sáng 21/2, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (gọi tắt là Dự Luật).

Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đến nay, nhiều nội dung đã đạt được sự thống nhất của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, như phạm vi sửa đổi và tên gọi; nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; việc tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực HĐND…

Theo ông Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong UBTCNS thống nhất phạm vi sửa đổi và tên gọi là Luật Đầu tư công (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc đã và đang phát sinh trên thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi của Luật.

Trong kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường vụ Quốc hội nhất trí phạm vi sửa đổi và tên gọi tùy thuộc vào quá trình rà soát lại các nội dung sửa đổi và “có thể theo hướng mở là Luật Đầu tư công (sửa đổi)”.

Làm rõ thêm về phạm vi sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chỉ thị 1792 và Luật Đầu tư công là bước tiến lớn, khắc phục nhiều hạn chế, tuy nhiên các cấp chính quyền địa phương phản ánh nhiều vướng mắc phải sửa Luật. “Nghị quyết 57 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ đăng ký là sửa đổi một số điều thôi, Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến kết luận là sửa một số điều, nhưng trong kết luận của Trung ương thì nói là sửa đổi toàn diện, cho nên hiện nay Chính phủ, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đang đi theo hướng sửa toàn diện”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, thống nhất trong sửa toàn diện là sửa quy định nào để thúc đẩy sự phát triển, để đầu tư công hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc, tính đến sự ổn định tương đối lâu dài, tránh sửa xong lại xuất hiện vấn đề phức tạp mới, đụng chạm đến hệ thống pháp luật khác.

Đẩy mạnh phân cấp nhưng vẫn phải chặt chẽ     

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần bám sát quan điểm Hiến pháp, tinh thần chỉ đạo của Trung ương là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư công. Vì vậy, cần phân cấp rõ hơn, phần vốn của ngân sách địa phương thì thẩm quyền là do địa phương quyết.

Tuy nhiên, trong một số sửa đổi nhằm đẩy mạnh phân cấp, giảm thời gian, thủ tục như bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trong việc xem xét các dự án trong thời gian HĐND không họp để có thể kịp thời quyết định những chương trình, dự án cấp bách, thì các ý kiến tại Phiên họp cho rằng phân cấp nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ. Các ý kiến tại Phiên họp không đồng ý trao thẩm quyền cho Thường trực HĐND quyết định dự án thay cho HĐND.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, quy định hiện nay HĐND họp tối thiểu 2 kỳ/năm, nhưng họp tối đa bao nhiêu kỳ là do yêu cầu của công việc, hơn nữa, việc triệu tập kỳ họp HĐND không có gì phức tạp. Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, thời gian chuẩn bị một dự án đầu tư 6 tháng chưa chắc đã xong, HĐND họp mỗi năm 2 kỳ thì HĐND quyết định là phù hợp. Tiêu tiền của dân cần phải quyết định một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, không thể ủy quyền cho Thường trực HĐND.

Về việc nâng hạn mức dự án quan trọng quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, UBTVQH đồng ý rà soát lại, nâng nhưng phải hợp lý, làm rõ vì sao phải điều chỉnh, tiêu chí rõ ràng. Ngoài ra, không chỉ rà lại giá trị mà cả các yếu tố liên quan đến môi trường, xã hội như rừng, diện tích lúa nước…

UBTVQH cũng thống nhất giữ nội dung Quốc hội quyết định tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, còn Quốc hội quyết định ủy quyền cho cơ quan nào là quyền của Quốc hội.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH sẽ cho ý kiến thêm về Dự Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Chuyên đề