Sơ tuyển quốc tế tại 8 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam: Nhiều nhà đầu tư quan tâm

(BĐT) - Đến 14h00 ngày 15/5/2019, cả 8 dự án BOT thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đều đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST). Cuộc cạnh tranh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt đầu.
Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2019. Ảnh: Lê Tiên
Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2019. Ảnh: Lê Tiên

Rất nhiều nhà đầu tư mua hồ sơ

14h00 ngày 15/5, với việc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm bắt đầu phát hành HSMST, cả 8 dự án BOT nói trên đều đã chính thức sơ tuyển rộng rãi quốc tế. 

Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là dự án đầu tiên phát hành HSMST (9h00 ngày 8/5/2019). Trao đổi với Báo Đấu thầu chiều 15/5, cán bộ của Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 (bên mời thầu) cho biết, đã có 17 nhà đầu tư mua HSMST. Trong đó, 4 nhà đầu tư đến từ Pháp, Trung Quốc, còn lại là nhà đầu tư trong nước. Trong số nhà đầu tư trong nước có khá nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng giao thông.

“Đây là con số nhà đầu tư mua HSMST khá lớn so với những dự án BOT trước đây, cho thấy Dự án khá thu hút nhà đầu tư”, cán bộ này chia sẻ. Nguyên nhân, theo cán bộ của Ban QLDA 2, có thể do đoạn tuyến thuộc Dự án là đoạn có lưu lượng giao thông lớn, tổng vốn đầu tư vừa phải.

Với tổng vốn đầu tư hơn 13 nghìn tỷ đồng, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, từ khi phát hành HSMST (8h30 ngày 10/5) đến nay, theo cán bộ Ban QLDA 85, đã có 5 nhà đầu tư trong nước và quốc tế mua HSMST.

Cũng phát hành HSMST từ ngày 10/5, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng vốn đầu tư hơn 11.603 tỷ đồng thu hút rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo cán bộ phụ trách Dự án của Ban QLDA 7, đến chiều ngày 15/5 đã có trên 10 nhà đầu tư mua HSMST. Trong số này có cả nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nhà đầu tư trong nước.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư lớn trong nước tuy không chia sẻ cụ thể về kế hoạch tham gia các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, nhưng thể hiện sự quan tâm rất rõ ràng tới các dự án. Trước mắt, họ sẽ tham gia Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức vào ngày mai (17/5) để tìm hiểu cơ chế sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và tiến độ triển khai đầu tư Dự án. Hội nghị này theo dự tính của Bộ GTVT sẽ có khoảng 100 nhà đầu tư tham dự. 

Cuộc thầu hấp dẫn, nhưng không ít khó khăn

Còn nhớ năm 2017, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã khẳng định quyết tâm đấu thầu bằng được để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, “đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần hai, lần ba”…

Theo dự kiến của Bộ GTVT, sau khi có kết quả sơ tuyển, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bắt đầu từ tháng 10/2019 và phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.

Bước đầu, với số lượng nhà đầu tư trong nước, quốc tế mua HSMST khá nhiều, có thể thấy sự quan tâm khá rõ ràng của khu vực tư nhân vào 8 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này của đất nước.

Tuy vậy, trong cuộc cạnh tranh này, ở môi trường pháp lý hiện tại, theo góc nhìn của giới chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều có những khó khăn nhất định, dù quan tâm đến các dự án nhưng sẽ không dễ dàng để chiến thắng. Thậm chí, lãnh đạo Bộ GTVT còn không ít lần tỏ ra lo ngại về khả năng đấu thầu thành công của các dự án, vì cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều gặp nhiều rào cản.

Trong đó, mối lo lớn nhất là vấn đề huy động tài chính cho các dự án. Đối với doanh nghiệp trong nước, khả năng tiếp cận vốn tín dụng là một bài toán rất khó. Từ 1/1/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được giới hạn ở mức 40%. Giới hạn này được đề xuất tiếp tục giảm dần theo các năm tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN và mức thấp nhất là 30% có thể áp dụng từ 1/7/2021 hoặc 1/7/2022. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 31,56% và của các NHTM cổ phần là 32,94%. Vì thế, nhiều ý kiến quan ngại việc tiếp tục huy động nguốn vốn dài hạn tại thị trường trong nước cho các dự án BOT lớn sau năm 2020 là rất khó khăn.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo Bộ GTVT, qua tham vấn, các nhà đầu tư tiềm năng, tổ chức quốc tế thể hiện sự quan ngại về rất nhiều rủi ro khi thực hiện dự án BOT tại Việt Nam trong môi trường chính sách pháp lý hiện hành. Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 3 về khả năng chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay không thể bảo lãnh, nên nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ cân nhắc rất kỹ khi tham gia các dự án.

Chuyên đề