Sơ tuyển 3 dự án PPP cấp nước ở Bắc Giang: Hấp dẫn nhờ tính khả thi

(BĐT) - Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Giang vừa công bố kết quả sơ tuyển nhà đầu tư 3 dự án PPP về cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 
Các dự án cấp nước sạch tập trung có quy mô vừa phải, phù hợp với tiềm lực tài chính của nhiều nhà đầu tư Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án cấp nước sạch tập trung có quy mô vừa phải, phù hợp với tiềm lực tài chính của nhiều nhà đầu tư Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Mỗi dự án có từ 2 - 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nên sẽ đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Theo các chuyên gia, đây là những tín hiệu tích cực về tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, về chất lượng và tính hấp dẫn của dự án PPP cấp nước tại các địa phương.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Ngày 4/6/2018, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Giang đã tiến hành đóng/mở sơ tuyển đối với 3 dự án cấp nước sinh hoạt tập trung tại một số xã trên địa bàn Tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 81,5 tỷ đồng. Đây là 3 dự án PPP được thực hiện theo hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) và đều được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.

Theo kết quả chấm sơ tuyển, có 2 dự án có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển và các nhà đầu tư trúng sơ tuyển đến từ các địa phương khác nhau, trong đó có cả nhà đầu tư ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, tại Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung các xã Tam Hiệp và Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (có tổng mức đầu tư 23,339 tỷ đồng), có 7 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST), 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST) và có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. 3 nhà đầu tư này gồm: Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Kiến trúc đô thị (có địa chỉ ở Hà Nội); Liên danh Công ty CP Xây lắp công trình - Đầu tư phát triển Nam Sơn - Công ty CP Cấp nước Phúc Hưng Hải Dương (có địa chỉ ở Hải Dương); Liên danh Thế giới - Cát Tường (có địa chỉ ở Bắc Giang).

Với Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung các xã Khám Lạng, Chu Điện và Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (có tổng mức đầu tư 37,022 tỷ đồng), có 6 nhà đầu tư đến mua HSMST, 3 nhà đầu tư nộp HSDST và cả 3 nhà đầu tư đều trúng sơ tuyển. Các nhà đầu tư này gồm: Công ty CP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn (Hải Dương); Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Kiến trúc đô thị (Hà Nội); Liên danh Công ty CP Tư vấn giám sát và Kiểm định chất lượng công trình - Công ty CP Xây lắp và Công nghệ Châu Âu (Hà Nội).

Đối với Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tổng mức đầu tư 21,78 tỷ đồng) thì trong thời gian phát hành HSMST đã có 5 nhà đầu tư mua hồ sơ, 2 nhà đầu tư  nộp HSDST và cả 2 nhà đầu tư này đều trúng sơ tuyển, bao gồm: Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Kiến trúc đô thị (Hà Nội) và Liên danh Công ty CP Bách Long - Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc (Bắc Giang). 

Tính khả thi cao

Ở mỗi dự án, nhà đầu tư trúng sơ tuyển chỉ phải bỏ ra 35% tổng mức đầu tư dự án, còn ngân sách tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ 65% còn lại. Thời gian khai thác công trình là 49 năm kể từ thời điểm bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Vương Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, 3 dự án PPP cấp nước sinh hoạt tập trung nói trên đều thực hiện tại các huyện miền núi của Tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát hành HSMST, cả 3 dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có những nhà đầu tư ở TP.HCM.

Đây cũng là 3 dự án cấp nước sinh hoạt đầu tiên triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ở mỗi dự án, nhà đầu tư trúng sơ tuyển chỉ phải bỏ ra 35% tổng mức đầu tư dự án, còn ngân sách tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ 65% còn lại. Thời gian khai thác công trình là 49 năm kể từ thời điểm bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Giang lý giải nguyên nhân về sức hấp dẫn của 3 dự án này với các nhà đầu tư. Thứ nhất, Dự án có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương (chia sẻ gánh nặng tài chính và rủi ro với nhà đầu tư). Thứ hai, các dự án PPP này có quy mô vừa phải, phù hợp với tiềm lực tài chính của nhiều nhà đầu tư Việt Nam (không chỉ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác). Bên cạnh đó, 3 dự án cấp nước này có nguồn thu trực tiếp và lâu dài từ người sử dụng, nguồn thu ổn định.

Một chuyên gia về PPP nhận xét, một dự án nhận được nhiều quan tâm, nhiều nhà đầu tư trúng sơ tuyển đã cho thấy rõ tín hiệu thị trường, phản ánh một phần tính hấp dẫn, tính khả thi và chất lượng của dự án. Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ cạnh tranh hơn.

Chuyên đề