Sẽ có “thuốc chữa” bệnh chậm giải ngân đầu tư công

(BĐT) - 4 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm so với yêu cầu, thậm chí nhiều bộ, ngành chưa giải ngân được kế hoạch vốn. Câu chuyện "có tiền không tiêu được" này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đi nhắc lại ở nhiều kỳ họp Quốc hội những năm gần đây. Chính phủ cần đánh giá hết sức nghiêm túc vấn đề này.
Sẽ quy định rõ trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Sẽ quy định rõ trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, một số đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét trách nhiệm người liên quan, bởi chỉ có vậy mới chấm dứt “bài ca” giải ngân chậm năm này qua năm khác.

Thực tế từ đầu năm đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm giải ngân 100% các nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019 được giao.

Báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng nhận định, chậm giải ngân vốn đầu tư công là tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong số các giải pháp cho vấn đề này, Chính phủ cho biết sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và người đứng đầu trong việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; công khai kết quả thực hiện.

Đồng thời, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực giao thông, năng lượng. Quản lý chặt chẽ công tác đấu thầu... Kịp thời triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.

Trong Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, định kỳ hàng tháng căn cứ báo cáo giải ngân của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và công khai trên Hệ thống quản lý đầu tư công danh sách các bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp hơn so với mức giải ngân trung bình cả nước. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công.

Bộ cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; từ các bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp sang bộ, ngành, địa phương giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn...

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các dự án, các quyết định đầu tư chưa thực hiện và không phù hợp với quy hoạch, có thời gian phê duyệt quá dài để có biện pháp xử lý cần thiết. Kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án... Các đơn vị được phân cấp đầu tư chủ động rà soát, sắp xếp lại danh mục các dự án đầu tư, xác định các dự án đầu tư ưu tiên, tính cấp thiết, cấp bách và xác định nguồn vốn để đảm bảo bố trí vốn tập trung, đủ vốn, đúng mục tiêu và thời gian hoàn thành dự án.

Theo Bộ KH&ĐT, việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 được thực hiện theo đúng các nguyên tắc phân bổ quy định tại các nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện phân bổ kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 nguồn ngân sách nhà nước theo các nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

Tuy nhiên, phương án phân bổ và thực hiện kế hoạch năm 2019 cũng còn một số tồn tại. Nhiều bộ, ngành và địa phương không đề xuất phân bổ hết kế hoạch năm 2019 đã được Quốc hội quyết định, chiếm tới 7,6% tổng số vốn ngân sách trung ương năm 2019. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị nộp lại ngân sách trung ương kế hoạch đầu tư năm 2019 để điều chỉnh cho các bộ, ngành và địa phương khác. Điều này cho thấy công tác xây dựng kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương chưa sát với khả năng thực hiện, chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công.

Ngoài ra, qua 23 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công tại các tỉnh, thành phố trong năm 2017, 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Bộ KH&ĐT phát hiện còn tồn tại ở một số dự án như: phê duyệt khi dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc không rõ nguồn vốn mà chỉ ghi chung chung là ngân sách nhà nước; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện, chưa phù hợp với chủ trương đầu tư. Một số dự án quyết định đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, từng loại nguồn vốn; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư không phù hợp quy định...

Chuyên đề