Quảng Ninh lo cao tốc Móng Cái - Vân Đồn 'trễ hẹn' nếu dùng ODA Trung Quốc

Địa phương cho rằng phương án sử dụng ODA Trung Quốc sẽ phải chờ đợi lâu, dẫn đến nguy cơ không thể hoàn thành tuyến cao tốc trước năm 2020.
Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc vay vốn ODA Trung Quốc sẽ rất lâu và không thể hoàn thành trước năm2020.
Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc vay vốn ODA Trung Quốc sẽ rất lâu và không thể hoàn thành trước năm2020.

Sau những ý kiến đóng góp của các bộ ngành về việc vay Trung Quốc 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) xây cao tốc Móng Cái - Vân Đồn kết nối đường dẫn cầu Bắc Luân II, nối với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), tỉnh Quảng Ninh vừa có những đề xuất mới lên Chính phủ.

Cụ thể, theo văn bản được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Đức Long ký, gửi Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải trong những ngày cuối tháng 7, lãnh đạo địa phương cho rằng kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc nhiều khả năng không thể hoàn thành trước năm 2020 nếu đầu tư theo hình thức vốn vay ODA của Trung Quốc, vì sẽ phải đợi rất lâu. Thời hạn nêu trên đã được đưa ra trong Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt năm 2008.

Do vậy, Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng giao cho tỉnh có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Nếu được đồng ý, Quảng Ninh mới thử tính toán nguồn vốn thực hiện.

Cao tốc Móng Cái - Vân Đồn thuộc tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái và ban đầu thuộc UBND thẩm quyền quyết định của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do cho rằng dự án mang tính cấp bách, có tầm quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội nên Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Chính phủ cho chuyển thẩm quyền đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Hồi giữa tháng 2 năm nay, Quảng Ninh cũng đã có văn bản nhất trí chuyển giao.

Nêu quan điểm về việc chuyển thẩm quyền đầu tư này, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Giao thông cần phải nêu rõ lý do vì sao phải chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng đây là dự án có nguồn thu trực tiếp, không thuộc đối tượng cấp phát mà phải vay lại từ nguồn vốn vay của Chính phủ, trong khi Bộ Giao thông vận tải không thuộc đối tượng vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị không chuyển thẩm quyền đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ Giao thông vận tải và không áp dụng cơ chế sử dụng vốn cấp phát cho dự án.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, với vị thế là một trong 13 tỉnh có thu ngân sách lớn nhất cả nước, việc thu xếp nguồn vốn thực hiện với Quảng Ninh không quá khó. Đặc biệt, dự án giao thông nằm trong nội tỉnh nên việc xây dựng dự án cần huy động nguồn lực địa phương chứ không thể từ ngân sách Trương ương.

Trước đó, trao đổi về đề xuất vay Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng thực hiện tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu Tư - Nguyển Chí Dũng khẳng định cần xem xét, đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định cho nhà thầu Trung Quốc…

"Trung Quốc họ thoả thuận cho Việt Nam vay nhưng nhiều nhà thầu song phương thường ra kèm các điều kiện ưu đãi, chỉ định thầu. Chính phủ đang đa dạng hoá tất cả các nguồn vay nhưng điều kiện vay thế nào, vay ai. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, vay thế nào, sử dụng vốn ra sao… Tuy nhiên, đến nay mới chỉ mới có Trung Quốc đề xuất tham gia", Bộ trưởng phát biểu.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đều có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm tránh rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.

Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài trên 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Dự án đi qua 5 địa phương của tỉnh Quảng Ninh gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành là trước năm 2020.

Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 382 triệu USD. Theo phương án vốn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đề xuất tài trợ 304,9 triệu USD, còn vốn đối ứng của Việt Nam là 77,33 triệu USD.

Nhà đầu tư của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là Liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C. Thời gian thu phí dưới 30 năm. Sau khi hoàn thành, thời gian đi từ Vân Đồn đến Móng Cái bằng đường cao tốc khoảng một tiếng đồng hồ, giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 18.

Chuyên đề