Quản lý tài sản công theo vòng đời tài sản

(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia quốc tế, để tăng hiệu quả chi tiêu công, kiểm soát được nợ công, một trong những giải pháp là cải cách quản lý tài sản công. Bởi vì, thất thoát, kẽ hở cho tiêu cực là rất lớn nếu quản lý không hiệu quả nguồn tài sản này.
Mới chỉ có 10% đường quốc lộ được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ở Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Mới chỉ có 10% đường quốc lộ được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ở Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tài sản công

Theo ông Norio Saito, Phó Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, hệ thống quản lý tài sản công quốc gia của Việt Nam đã được tăng cường trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức để quản lý hiệu quả.

Ông Norio Saito cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất trong quản lý tài sản công hiện nay là mô hình quản lý đang rất phân tán và chồng chéo. Có tới hàng nghìn cơ quan nhà nước khác nhau cùng quản lý hơn 487 nghìn loại tài sản, với sự phân loại rất phức tạp. Các đơn vị này lại chỉ quản lý trên giấy tờ hoặc mô tả tình trạng cơ học và giá trị đầu tư ban đầu của tài sản, mà chưa có một cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ. Đó là chưa kể đến việc nhiều cơ quan đang chịu các trách nhiệm khác nhau, ngay cả đối với cùng một tài sản đã khiến cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình trở nên khó khăn.

Đặc biệt, việc quản lý tài sản công chưa bao trùm hết các tài sản hạ tầng, trong khi giá trị các tài sản này rất lớn. Số liệu ông Saito đưa ra cho thấy, mới chỉ có 10% đường quốc lộ được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Thực tế công tác quản lý tài sản tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp cũng còn nặng tính bao cấp, chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả sử dụng tài sản, việc hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ. Kế toán chưa tính hao mòn và trích khấu hao tài sản cố định đúng chế độ quy định, thậm chí có nhiều nơi không phản ánh tài sản vào sổ và báo cáo kế toán. Đây là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, thất thoát, nhất là các loại tài sản đắt tiền. 

Quản lý cả vòng đời tài sản

Có tới hàng nghìn cơ quan nhà nước khác nhau cùng quản lý hơn 487 nghìn loại tài sản, với sự phân loại rất phức tạp
Ông Norio Saito khuyến nghị, để hỗ trợ tạo ra hệ thống quản lý tài sản công hiệu quả hơn, cần một số cải cách như sắp xếp hợp lý trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ban ngành; giảm bớt đầu mối quản lý tài sản công đồng thời với việc mở rộng phạm vi quản lý đến tất cả các tài sản hạ tầng quốc gia.

Theo ông Saito, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý công sản và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, ngày càng có đầy đủ thông tin về tài sản công. Đồng thời, xác định phương án tích hợp tài sản công do mỗi bộ, ngành theo dõi để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đại diện ADB đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý tài sản công nên chuyển đổi phương thức từ quản lý hành chính sang quản lý mang tính tổng thể hơn (cả vòng đời tài sản) từ đó giám sát chặt được hiệu quả tài sản. Cùng với đó, phải có cơ quan chịu trách nhiệm rõ ràng nếu tài sản mua sắm, sử dụng không hiệu quả. 

Trong một buổi tọa đàm do Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Dag Detter, chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng, tài sản công cần được quản lý theo nguyên tắc minh bạch, độc lập và chuyên nghiệp. Minh bạch nghĩa là phải tách biệt giữa tài sản công có khả năng sinh lời (tài sản thương mại) và tài sản công phục vụ mục đích chính sách (tài sản chính sách), từ đó xây dựng danh mục tài sản công quốc gia theo hai nhóm nêu trên và công bố công khai. Nguyên tắc độc lập là phải tách việc quản lý tài sản công thương mại khỏi sự can thiệp của các chính trị gia, thay vào đó, cần được giao cho các tổ chức chuyên nghiệp quản lý.

Chuyên đề