Phương án vốn nào cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?

(BĐT) - Nhà ga hành khách T3 tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất được đánh giá sẽ là dự án có khả năng sinh lời cao do nhu cầu sử dụng rất lớn. 
Sớm khởi công nhà ga T3 sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Tiên
Sớm khởi công nhà ga T3 sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) muốn đầu tư 100% vốn, thì nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đang nhắm đến dự án này. Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là ưu tiên phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.

Tuần qua, thông tin Tập đoàn FLC chính thức gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất được thông tin trên nhiều phương tiện truyền thông. FLC khẳng định, nếu được chấp thuận sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp và thực hiện xây dựng nhà ga T3 theo đúng quy hoạch được duyệt sau 1 năm thi công.

Không chỉ FLC, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã thể hiện mong muốn đầu tư nhà ga T3 do đây là một dự án rất hấp dẫn. Theo nhiều nguồn tin, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị được cùng với ACV đầu tư nhà ga hành khách T3. Hãng hàng không Vietjet cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha.

Hiện tại vẫn chưa có quyết định phương án huy động vốn đầu tư nhà ga T3. Đầu năm 2018, ACV đã kiến nghị giao ACV làm chủ đầu tư sử dụng 100% vốn của ACV để triển khai Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân  Sơn  Nhất. Theo ACV, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2018 - 2021 và định hướng đến năm 2025, ACV đã cân đối đủ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại 21 cảng hàng không đang khai thác, trong đó có các công trình nâng cấp, mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất theo quy hoạch mới được phê duyệt. Đồng thời, ACV cũng đã xây dựng tiến độ triển khai để phấn đấu hoàn thành vào quý II/2022.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100.000 m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650 m2. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 43 tháng.
So sánh các phương án đầu tư, Bộ GTVT cho rằng, trường hợp đầu tư bằng 100% vốn của ACV phấn đấu có thể hoàn thành trong quý II/2022. Trường hợp đầu tư bằng hình thức ACV góp vốn thành lập công ty cổ phần thì để đảm bảo công bằng, minh bạch, phải có hình thức lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư với ACV, trong khi hiện nay chưa có quy định. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ kéo dài thời gian và khó có thể hoàn thành dự án trước năm 2022. Trường hợp đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, phải tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và sẽ khó có thể hoàn thành dự án trước năm 2022. Từ đó, để đẩy sớm khởi công các dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đề xuất giao ACV chủ trì thực hiện đầu tư các dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng hệ thống thoát nước (ngoài khu bay)...

Bộ GTVT cho biết, ACV đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đã có văn bản cho ý kiến vào 30/1/2019. Tuy nhiên, hiện nay, ACV đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT không thể quyết định về việc tham gia đầu tư dự án này của ACV.

Tại báo cáo về tình hình thực hiện Dự án ngày 25/2/2019, Bộ GTVT đề nghị trường hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với phương án đầu tư của ACV, Ủy ban chỉ đạo ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ KH&ĐT có cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Trường hợp ACV không thực hiện đầu tư, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề