Phú Quốc, viên ngọc quý chờ ngày bừng sáng

(BĐT) - Phú Quốc như một viên ngọc quý, trong những năm qua đang dần dần tỏa sáng. Sức hút đối với giới đầu tư ngày càng mạnh mẽ, sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước ngày càng rõ nét. Chỉ cần sự cởi trói về cơ chế, với những giá trị hiện hữu, Phú Quốc hoàn toàn có đủ cơ sở để thu hút một làn sóng đầu tư mới, đưa nơi đây trở thành một thiên đường du lịch đẳng cấp quốc tế. 
Phú Quốc, viên ngọc quý chờ ngày bừng sáng

Đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước

Với cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý và chuỗi đảo vệ tinh, đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn hàng đầu trong nước đã lựa chọn nơi đây là điểm đến đầu tư chiến lược, với những dự án đẳng cấp, quy mô lớn. Chỉ trong vòng vài ba năm trở lại đây, diện mạo Phú Quốc có những đổi khác vượt bậc, với nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng đạt tầm quốc tế.

Có thể kể đến những tên tuổi lớn đã có mặt tại Phú Quốc như Vingroup với hệ thống khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Premium; CEO Group với dự án Sonasea Resort & Villas; Sun Group, BIM Group, Thai Group cũng đều có những dự án quy mô lớn tại đây… Hầu hết các dự án đã và đang triển khai là dự án động lực, tạo điểm nhấn đặc biệt để Phú Quốc trở thành một điểm đến hàng đầu về du lịch của cả nước.

Tính chung về thu hút đầu tư, đến nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 254 dự án, ước tổng vốn đầu tư 377.836 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 282 triệu USD. Đến nay, đã có 193 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 2.310 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 62 nghìn tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông tại Phú Quốc cũng đã được tập trung đầu tư với nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2005 - 2016 là 25.460 tỷ đồng. Kết nối với Phú Quốc từ bên ngoài giờ đã rất thuận lợi qua đường hàng không. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang triển khai giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, đến nay khối lượng hoàn thành khoảng 33% so với tổng mức đầu tư.

Các cảng biển, trong đó Cảng hành khách quốc tế Dương Đông đang được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 1.644 tỷ đồng. Đến nay, phần vốn nhà đầu tư triển khai đạt khoảng 90% giá trị khối lượng. Hạ tầng giao thông đường bộ như đường trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc có chiều dài 51,5km, đường quanh đảo có chiều dài 99,5km, các tuyến đường trung tâm khu phức hợp Bãi Trường đã và đang triển khai, hoàn thiện… 

Vẫn cần cơ chế vượt trội để phát triển xứng tầm

Với mũi nhọn, lợi thế lớn nhất của “đặc khu” Phú Quốc là phát triển dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế, biến đảo ngọc thành thiên đường du lịch, Phú Quốc xác định tập trung thu hút mạnh các nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu, uy tín vào đầu tư cơ sở vật chất và kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch. Đã có nhà đầu tư đề xuất xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp, quy mô lớn, hiện đại, có casino.

Mặc dù “viên ngọc quý” đã sáng dần, nhưng để Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch khác biệt và ngang tầm quốc tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn còn một chặng đường dài. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đã có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Phú Quốc. Họ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của đảo ngọc, nhưng vẫn không ở lại đầu tư. Sự hấp dẫn tự thân của Phú Quốc chưa đủ, so sánh với các đặc khu trong khu vực, thì chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng với Phú Quốc đang thiếu sức cạnh tranh, chưa bảo đảm tạo lập niềm tin của các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.

Nhìn vào con số các dự án đã đi vào hoạt động cũng có thể nhận thấy các nhà đầu tư chưa thực sự đầu tư “thật” tại Phú Quốc, mà rất nhiều trong số đó đang nằm chờ những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn. Cụ thể, trong tổng số gần 200 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hiện mới chỉ có 30 dự án đã đi vào hoạt động.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc nhấn mạnh, lúc này rất cần thiết phải có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để huy động có hiệu quả các nguồn lực giúp Phú Quốc phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của mình. Nếu không, không những cơ hội bị vụt mất khi cạnh tranh khu vực, toàn cầu ngày càng gay gắt, mà còn kìm hãm sự phát triển, lãng phí tiềm năng của hòn đảo này.

Theo một số ý kiến, ngoài mũi nhọn về du lịch dịch vụ đẳng cấp cao, Phú Quốc cũng cần tiếp tục tìm ra một số cách đi khác biệt, ngoài du lịch, tận dụng xu thế chuyển dịch một số trung tâm tài chính khu vực đến Việt Nam, Phú Quốc có thể đề xuất những chính sách đột phá, cởi mở để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 58.927 ha, bao gồm 27 đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc với diện tích tự nhiên khoảng 56.700 ha. Phú Quốc hội tụ đầy đủ những ưu thế để phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu của khu vực. Thiên nhiên ưu đãi với 65% diện tích rừng nguyên sinh, 150 km đường bờ biển với những bãi biển tuyệt đẹp như bãi Dài, bãi Sao, bãi Trường…

Phú Quốc có vị trí tuyệt vời nằm trong vịnh Thái Lan, không có bão nên ít rủi ro kinh doanh. Là trung tâm giữa các thành phố lớn của ASEAN, Phú Quốc chỉ cách các thành phố này 2 giờ bay, nên có một thị trường du lịch tiềm năng với hàng tỷ dân của khu vực.

Phú Quốc có điều kiện tự nhiên không phải nơi nào cũng có, với 150 km đường bờ biển, nhiều bãi biển cát trắng tuyệt đẹp; thời tiết ấm áp quanh năm, nước biển rất ấm, có thể tắm được vào ban đêm; 2/3 diện tích là rừng nguyên sinh, tạo ra nhiều ô-xy nên khí hậu rất tốt, mang đến sự thoải mái và sức khỏe cho du khách, rất thuận lợi phát triển du lịch nghỉ dưỡng.   

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã và đang được đầu tư đồng bộ, sẵn sàng cho sự phát triển của đặc khu hành chính - kinh tế.

Chuyên đề