Phòng vệ thương mại chỉ là giải pháp tình thế

(BĐT) - Trước áp lực thép ngoại, doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam đang tính đến sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng giá thép xây dựng sẽ không tăng đột biến. Ảnh: Lê Tiên
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng giá thép xây dựng sẽ không tăng đột biến. Ảnh: Lê Tiên

Thời gian qua, lượng thép cung ứng khá dồi dào. Ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động của ngành thép?

Trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng thép thô DN trong nước sản xuất được đạt 838,7 nghìn tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1.002,8 nghìn tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 722,2 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 2, nhập khẩu thép các loại tăng 8,8% về lượng lượng và 66,5% về trị giá.

Để sản xuất thép, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm (phôi, thép cuộn cán nóng) để phục vụ sản xuất trong nước. Do đó, khi sản xuất trong nước tăng lên, nhu cầu nhập khẩu cũng tăng, đây không phải là điều đáng ngại. Vấn đề đáng ngại nhất là trong số thép nhập khẩu có một số sản phẩm thép ở Việt Nam đã sản xuất được, chất lượng một số mặt hàng thép nhập khẩu cũng còn có vấn đề. Vì thế, Nhà nước đã có chính sách bảo vệ thép trong nước bằng cách áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Phòng vệ thương mại chỉ là giải pháp tình thế ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Sưa
Nhiều ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của DN thép nước ta còn thấp, quan điểm của ông thế nào?

Về vấn đề này, Hiệp hội cho rằng, khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam còn kém so với Trung Quốc, nhưng khá so với các nước còn lại. Bằng chứng là những năm vừa qua, chúng ta vẫn xuất khẩu được một lượng lớn sản phẩm thép sang các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác… Đặc biệt, năm 2016, lượng thép xuất sang Mỹ đã tăng đột biến. 

Hiệp hội Thép cuối năm 2016 đã có kiến nghị về việc áp thuế tự vệ chặn thép cuộn tràn vào Việt Nam. Đến nay, kiến nghị này đã được xử lý ra sao?

Năm 2016, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp thuế tự vệ đối với thép dài và phôi thép. Trong các sản phẩm thép dài có sản phẩm là thép cuộn nêu trên.

Cụ thể là qua quá trình theo dõi, Hiệp hội thấy sau khi có quyết định áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương, vẫn có một lượng thép cuộn được các DN nhập khẩu vào Việt Nam. Các DN cho biết, khi áp thuế tự vệ họ đã nhập khẩu sản phẩm thép mã HS 7213.91.90 thay vì mã HS 7213.91.90 như trước đây để hưởng thuế ở mức 3%. Tôi đánh giá đây là việc lẩn tránh thuế. Để bảo vệ sản xuất trong nước, phát huy hiệu quả của áp thuế tự vệ thì Hiệp hội Thép và các nhà sản xuất thép trong nước thấy rằng cần phải ngăn chặn việc nhập khẩu số lượng lớn thép cuộn vào Việt Nam.

Vừa rồi, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp giữa các bên có liên quan để xử lý kiến nghị của Hiệp hội. Chủ trì cuộc họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kết luận là cần xem xét nhằm có biện pháp thích hợp để bảo vệ sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, hiện Bộ Công Thương đang nêu ra một số vấn đề khó khăn trong việc xử lý kiến nghị của Hiệp hội như còn thiếu quy định xử lý đối với việc lẩn tránh thuế. 

Phòng vệ thương mại như con dao hai lưỡi, yếu tố quyền lợi người tiêu dùng được đặt ra như thế nào?

Mục tiêu của phòng vệ thương mại là bảo vệ sản xuất trong nước, trên cơ sở đó ngành sản xuất trong nước được bảo vệ, được phát triển, về lâu dài người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi là mua được hàng hóa với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung đều có ảnh hưởng, nhưng tôi khẳng định đó chỉ là trước mắt. 

Giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thép Việt là gì, thưa ông?

Có rất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thép Việt Nam đã được đưa ra. Tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế, hầu như các DN ngành thép Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế. Muốn cạnh tranh được với DN trên thế giới, chúng ta cần khuyến khích xây dựng một số DN thép có quy mô tương đối lớn, năng lực tốt về tài chính, nhân sự… khi đó mới có thể tồn tại và hội nhập mạnh mẽ. 

Ông có dự báo gì về giá thép xây dựng trong năm 2017?

Giá cả thị trường thép Việt Nam phụ thuộc diễn biến giá cả của thị trường thép thế giới, bởi chúng ta thường xuyên phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm để phục vụ sản xuất trong nước. Trong năm 2014 và năm 2015 thị trường thép thế giới chứng kiến việc giá thép giảm rất lớn và sâu, nhưng đầu năm 2016 các giá nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm thép tăng liên tục. 3 tháng đầu năm 2017 xu hướng giá thép tăng là vẫn có. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội thì việc tăng giá thép xây dựng năm nay sẽ không có đột biến và có thể sẽ giảm vào những tháng cuối năm.

Chuyên đề