Phối hợp để tích hợp quy hoạch

(BĐT) - Mặc dù còn nhiều ý kiến cần được tiếp tục làm rõ, nhưng đến nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch đã, thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung, tạo khuôn khổ cho việc xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động quy hoạch riêng rẽ. 
Việc ban hành Luật Quy hoạch sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo, rối rắm trong hoạt động quy hoạch. Ảnh: Lý Kiệt
Việc ban hành Luật Quy hoạch sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo, rối rắm trong hoạt động quy hoạch. Ảnh: Lý Kiệt

Vấn đề còn lại chỉ là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để thực thi hiệu quả. 

Thể hiện được vai trò của luật khung

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch. Dự thảo mới nhất được gửi tới các đoàn đại biểu Quốc hội gồm 6 Chương với 69 Điều và 2 Phụ lục.

Dưới góc độ chuyên gia, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Dự thảo quy định hệ thống quy hoạch quốc gia, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền trong lĩnh vực quy hoạch; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch, các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc chế tài các vi phạm… “Quy định như vậy đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung, đủ sức làm khuôn khổ cho việc xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động quy hoạch riêng rẽ”, TS. Phạm Sỹ Liêm bày tỏ quan điểm.

Ông Liêm phân tích thêm, quy hoạch công bao gồm nhiều loại hình và nhiều thứ bậc, hình thành nên “hệ thống quy hoạch quốc gia”. Việc quản lý nhà nước đối với một hệ thống quy hoạch rộng lớn và đa dạng như vậy khó có thể điều tiết bằng luật thông thường (gọi là luật thực chất, luật độc lập). Khi đó, Nhà nước cần ban hành “luật khung” có chức năng quy định các nghĩa vụ và nguyên tắc quản lý các hoạt động quy hoạch của các cấp chính quyền, tạo khuôn khổ cho việc đưa ra các quy định về quy hoạch trong các luật thực chất và các văn bản dưới luật có liên quan.

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, hệ thống quy hoạch được thể hiện trong Dự thảo hiện đã rất ổn, vấn đề còn lại là ở khâu thực thi. 

Thay đổi cơ chế phối hợp để có quy hoạch tích hợp

Do tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành nên sản phẩm quy hoạch là “mẫu số chung”, dựa vào đó các ngành trung ương, địa phương triển khai lập các quy hoạch cấp dưới.
Trong câu chuyện về hệ thống quy hoạch, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ đặt vấn đề về quy hoạch sử dụng đất được quan niệm như thế nào trong hệ thống quy hoạch tích hợp thống nhất được thể hiện trong Dự thảo Luật Quy hoạch?

Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) phải được xây dựng đồng thời với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội”. Song trong thực tiễn, quy định này chưa được hiện thực hóa bởi cái khó là mỗi loại quy hoạch lại do một bộ chịu trách nhiệm và không bộ nào để tâm đến công việc của bộ kia. Khi Luật Đất đai năm 2013 bỏ quy định về xây dựng đồng thời 2 loại quy hoạch này thì QHSDĐ lại tiếp tục tiến hành theo hướng chậm hơn quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 1 nhịp.

Ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Dù muốn hay không thì QHSDĐ vẫn phải tích hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, tức là không cần lập QHSDĐ khi đã có quy hoạch đô thị, nông thôn chi tiết được phê duyệt. Việc tách rời QHSDĐ ra khỏi quy hoạch tích hợp sẽ gây xung đột về quy hoạch, lãng phí ngân sách và làm phức tạp quá trình triển khai”.

Ông Đặng Hùng Võ gợi ý: “Trên thực tế, công việc chuẩn bị dữ liệu, đưa ra phương án sử dụng không gian lãnh thổ vẫn do Bộ TN&MT thực hiện, không làm mất đi công việc của Bộ. Việc kết nối với quy hoạch tích hợp là công việc mới nên do một ủy ban liên bộ thực hiện hoặc do 2 bộ kết hợp đưa kịch bản phát triển lên từng khu vực đất cụ thể”.

Ở góc tiếp cận của mình, PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh cho rằng, do tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành nên sản phẩm quy hoạch là “mẫu số chung”, dựa vào đó các ngành trung ương, địa phương triển khai lập các quy hoạch cấp dưới. Quá trình triển khai phải tôn trọng các nguyên tắc của quy hoạch hiện đại gồm: tính khoa học; tính thương thảo, điều phối; tính đề xuất; tính tham gia; tính tổng hợp và tính bền vững. Khi đó, Bộ KH&ĐT chỉ là cơ quan điều phối, tổng hợp, còn các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về quy hoạch do ngành phụ trách. Ông Trần Trọng Hanh chia sẻ, tại nhiều quốc gia, họ lập “Hội đồng quy hoạch” để đảm nhiệm trọng trách là quy hoạch trưởng, giúp chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ và là cơ chế để hỗ trợ phối hợp liên ngành.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thông tin, Ủy ban dự kiến tổ chức thêm 2 hội thảo nữa để lấy ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch (tại miền Trung và miền Nam). Sau đó, Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được hoàn thiện và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến tại phiên họp tháng 3/2017 trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Chuyên đề