Phải có biện pháp mạnh để thúc giải ngân đầu tư công

(BĐT) - Giải ngân đúng kế hoạch và thực hiện hiệu quả dự án sử dụng vốn đầu tư công là một trong những giải pháp để góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm.
Hết quý I, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Hết quý I, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Liên tiếp mấy năm gần đây, giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực. Ngoài tháo gỡ về thể chế chính sách, cần có biện pháp mạnh, quyết liệt hơn để thúc đẩy giải ngân, để điệp khúc này không lặp lại trong năm nay.

Chậm vì những nguyên nhân cũ

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quý I/2019, vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện ước đạt 50,8 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với quý I/2018. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN quý I/2019 đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 8,83% và 9,19%).

Bộ KH&ĐT đánh giá, tình hình giải ngân quý I năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, riêng vốn nước ngoài giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ.

Số liệu cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ KH&ĐT cho thấy, hết quý I, nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Cao Bằng, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Bình Phước… có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.

Nguyên nhân, theo Bộ KH&ĐT, chủ yếu do đây mới là những tháng đầu năm, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 và trong tháng 1, các bộ, ngành và địa phương tập trung giải ngân nốt phần vốn của năm 2018. Bên cạnh đó, hiện một số bộ, ngành và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2019 được giao và đang nhập dự toán cho các dự án trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS)…        

Cần biện pháp mạnh

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp, đề xuất kiến nghị khá quyết liệt. Cuối tháng 3, Bộ Tài chính có văn bản, trong đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát khả năng giải ngân của từng dự án để sớm đề xuất việc điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 hoặc các dự án đã có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án chưa giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2018, có nhu cầu kéo dài sang năm 2019 để tiếp tục thanh toán, sau ngày 31/3/2019, chủ đầu tư không ra Kho bạc Nhà nước làm thủ tục kéo dài kế hoạch vốn năm 2018 sang năm 2019 thì đề nghị thu hồi về NSNN số vốn chưa giải ngân hết.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổng hợp thuộc Sở KH&ĐT Đà Nẵng, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặt chỉ tiêu cụ thể theo từng mốc đến 30/6, 31/10 và hết năm 2019 nếu giải ngân lần lượt dưới 35%, 70% và 90% sẽ bị điều chuyển nhiệm vụ quản lý dự án, cắt giảm vốn. Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu phải hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư theo thời hạn, nếu không hoàn thành, thực hiện điều chuyển nhiệm vụ sang ban quản lý khác, không đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, giao quận, huyện tự đầu tư từ nguồn vốn phân cấp.

Nhấn mạnh kiên quyết không chấp nhận thực tế giải ngân vốn đầu tư công liên tục chậm trễ, tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2019 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành có giải trình rõ và phải có biện pháp mạnh trong vấn đề thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019. Nhiều nhiệm vụ cụ thể được đưa ra tại Chỉ thị, trong đó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT định kỳ hàng tháng căn cứ báo cáo giải ngân của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và công khai trên Hệ thống quản lý đầu tư công danh sách các bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của cả nước.

Những giải pháp quyết liệt ngay từ quý đầu tiên được kỳ vọng sẽ giúp cho giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ có thể hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, giải pháp gốc rễ, theo báo cáo của nhiều địa phương là phải nhanh chóng sửa đổi, tháo gỡ những quy định, thủ tục còn gây vướng mắc, khó khăn trong thực thi tại Luật Đầu tư công, theo hướng đẩy mạnh phân cấp đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân, giám sát chặt chẽ hiệu quả dự án.

Chuyên đề