Nỗ lực tạo dư địa tăng trưởng

(BĐT) - Tại sao nói không còn dư địa, không còn động lực cho tăng trưởng? Từ câu hỏi đó, tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra dư địa cho tăng trưởng vẫn còn nhiều nếu biết khai thác đúng, hiệu quả hơn nguồn lực nội tại. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành phải đề ra các giải pháp để giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành phải đề ra các giải pháp để giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Ảnh: Lê Tiên

Tăng trưởng năm nay vì thế vẫn cần giữ mục tiêu 6,7%, và Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành phải đề ra các giải pháp để hướng tới mục tiêu này.

Chọn Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu tiên đến làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò của Bộ trong việc tham mưu cho Trung ương Đảng, Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho Bộ trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng đưa ra giải pháp tạo nguồn cho đầu tư phát triển, không chỉ vay nước ngoài, không chỉ phát hành trái phiếu…

Làm đúng sẽ thấy dư địa

Cùng tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, chỉ cần củng cố niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp và đổi mới cách làm, cùng nguồn lực nếu dẫn vào đúng chỗ thì hiệu quả sẽ khác. Tháo gỡ hết khó khăn hiện tại sẽ tạo ra nguồn lực cho tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng, nếu theo cách làm cũ để tính GDP, có thể dư địa chính sách cho tăng trưởng đã hết. Nhưng nếu tính GDP theo cách tính mà các nước trên thế giới vẫn làm theo công thức GDP = G (đầu tư công) + C (tiêu dùng của dân cư) + I (đầu tư của khu vực tư nhân) + XN (chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của nền kinh tế), thì sẽ có cách nhìn khác.

Thứ trưởng Đông phân tích, công cụ để tăng trưởng GDP theo cách làm cũ đã cạn kiệt, đó là phát hành trái phiếu, vay vốn nước ngoài, vay ODA… Nhưng tất cả công cụ này chỉ phục vụ cho một chữ “G”. Nếu tăng chữ “I” trong công thức tính GDP, nghĩa là tăng đầu tư của khu vực tư nhân, có công cụ chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dư địa cho tăng trưởng GDP sẽ tăng vọt, khó khăn hiện nay sẽ chỉ là ngắn hạn.

Cùng tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, Bộ KH&ĐT đã làm rất tốt nhiệm vụ, đề ra nhiều tư tưởng, chính sách cải cách, đổi mới. Phó Thủ tướng chỉ đạo, đối với đầu tư công, phải xem vốn ngân sách là vốn mồi, để huy động các nguồn vốn khác vào đầu tư. Nguồn lực ít, phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Bộ KH&ĐT cần giải quyết vướng mắt trong thực thi các Luật Đầu tư công, Đầu tư, Doanh nghiệp, sớm hoàn thiện Luật Quy hoạch.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2016 và định hướng thời gian tới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục tập trung hoàn thiện nhiều luật và thông tư hướng dẫn quan trọng, như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đặc khu kinh tế, một số thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu 2013, Thông tư về cơ chế thành lập, hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Thứ trưởng Đông cũng cho rằng, ngoài chỉ chú trọng đến đầu tư công, sai lầm cơ bản thứ hai là quan điểm nếu không nhập siêu làm sao có sản xuất kinh doanh để tăng trưởng. Phải nhìn nhận, chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu càng âm thì GDP càng giảm, vì thế phải phấn đấu để ít nhất cán cân thương mại bằng 0. Đồng thời, phải phân tích kỹ hàng nhập khẩu của ta là gì? Hàng hóa trong nước sản xuất được có phục vụ cho tiêu dùng không, hay là nhập khẩu từ những thứ nhỏ nhất, rồi mua sắm chính phủ vẫn mua những hàng hóa nhập khẩu mà doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được, vô hình chung bóp chết doanh nghiệp trong nước. Ông Đông cho rằng, phải kiểm soát hàng rào thương mại và tạo cơ hội cho sản phẩm trong nước đi vào các gói thầu mua sắm chính phủ.  

Khái quát lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, động lực tăng trưởng chính là khu vực doanh nghiệp. Tăng đầu tư tư nhân, tiết kiệm tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp tăng GDP. 

Tiền ở đâu để đầu tư?

Cũng tại buổi làm việc, một câu hỏi khác là lấy tiền đâu để đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng khi ngân sách hiện đang rất khó khăn cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra lời giải. Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ cần tiết kiệm từ chính những khoản đầu tư hiện tại, giảm thất thoát trong đầu tư công, trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán tài sản công… sẽ có tiền để tái đầu tư.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể để thấy tiền ở đâu. Theo đó, về đầu tư công, 5 năm tới chi tiêu công khoảng 15 triệu tỷ đồng, nếu chỉ tiết kiệm 10% cũng là rất lớn, ngoài ra, giá công trình của Việt Nam đang đắt hơn thế giới 30 - 40%, chỉ cần tiết kiệm sẽ có dư tiền để đầu tư. Và nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mà theo Thứ trưởng Đông, trước mắt là hạ tầng giao thông, thì 5 - 10 năm tới hoàn toàn có thể làm được đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hiện thực hóa được 100 km tàu điện ngầm cho Hà Nội và TP.HCM.

Tiền cũng có thể lấy từ việc thực hiện đúng, hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bỏ việc bán cổ phần theo lô, ví dụ Vinamilk nếu đấu giá cổ phần công khai có thể bán được 4 tỷ USD chứ không phải là 1 tỷ USD. Các tài sản công, các khu đất vàng, nếu đấu giá công khai, cũng sẽ đem lại giá trị lớn hơn rất nhiều, như Khách sạn Kim Liên định giá 400 tỷ đồng, đấu giá công khai được 1.000 tỷ đồng. Như vậy, chắc chắn có hàng chục tỷ USD để đầu tư.

Kết luận tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua tình trạng lãng phí, thất thoát diễn ra khá phổ biến trong hoạt động đầu tư công. Đấu thầu hình thức, quân xanh quân đỏ, bán lại thầu có thể đến 10 - 15% giá trị gói thầu, chúng ta biết điều đó, thất thoát là rất lớn. Hay đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, mua ô tô quá đắt, có giảm được không? Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT quản lý chặt chẽ hoạt động mua sắm công theo Luật Đấu thầu 2013, công khai, minh bạch, làm sao để hạn chế đấu thầu hình thức, áp dụng mua sắm công qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng tính công khai, minh bạch. Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thẩm định lại các dự án quan trọng quốc gia, trước hết là các dự án có vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Tình hình tài chính đang khó khăn, tiết kiệm 1 tỷ, dăm ba tỷ, hàng chục tỷ đều là rất quý, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyên đề