Nợ đọng xây dựng cơ bản vì bệnh thành tích

(BĐT) - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 được triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Trong đó, phải kể đến tình trạng một số địa phương chạy theo thành tích dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nợ đọng xây dựng nông thôn mới đã lên đến khoảng 8.600 tỷ đồng. Ảnh: An Oanh
Nợ đọng xây dựng nông thôn mới đã lên đến khoảng 8.600 tỷ đồng. Ảnh: An Oanh

Huy động hơn 850 nghìn tỷ đồng trong 5 năm

Tại cuộc họp cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (17,1%)  và đến tháng 3/2016 có 1.761 xã (19,7%) đạt tiêu chí nông thôn mới.

Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 182 xã. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đã có 23 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng, chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng.

Riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp là 98.664 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 16.400 tỷ đồng (vốn sự nghiệp kinh tế là 3.480 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là 2.420 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ là 10.500 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 82.264 tỷ đồng.

Nợ đọng xây dựng cơ bản 8.600 tỷ đồng

Cần có sự phân tích kỹ hơn về các nguồn lực, những địa phương có nợ đọng XDCB, phải tính số nợ trên tổng mức đầu tư để thấy rõ hơn mức nợ đọng XDCB cao ở mức nào, chứ không thể chia trung bình chung chungChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, quá trình triển khai Chương trình cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, như nguồn vốn huy động từ ngân sách và xã hội còn thấp, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB). Hiện số nợ đọng XDCB cho chương trình này của 35/41 tỉnh, thành phố trong cả nước đã lên đến khoảng 8.600 tỷ đồng.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nợ đọng XDCB trong thực hiện Chương trình MTQG nông thôn mới là còn lớn hơn nhiều, lên tới 10.200 tỷ đồng. Ông Huệ cũng lưu ý: “Xây dựng nông thôn mới ngoài việc gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, còn phải gắn với quá trình đô thị hóa. Những xã vùng ven thành thị mà quy hoạch như những xã khác thì sau khi chuyển đổi lên thành thị thì rất lãng phí nguồn lực”.

Chia sẻ nỗi lo về nợ đọng XDCB, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội băn khoăn: “Nợ đọng là một vấn đề rất lớn. Theo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số nợ đọng tính đến tháng 4/2016 là 8.600 tỷ đồng, còn theo báo cáo của Chính phủ là 10.200 tỷ đồng. Liệu có lặp lại tình trạng dư nợ tăng cao mà khả năng trả nợ không có, hoặc yếu, hoặc khó khăn?”. Theo ông Phúc, nhiều chính quyền xã đã nhìn vào đất, tính quy hoạch đất để bán trả nợ xây dựng nông thôn mới, nhưng nguồn lực này là có mức độ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải hạn chế bán đất nông nghiệp, diện tích trồng lúa, nên cuối cùng không thực hiện được, gặp khó khăn trong giải quyết nợ đọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Cần có sự phân tích kỹ hơn về các nguồn lực, những địa phương có nợ đọng XDCB, phải tính số nợ trên tổng mức đầu tư để thấy rõ hơn mức nợ đọng XDCB cao ở mức nào, chứ không thể chia trung bình chung chung”.

Chuyên đề