Những điểm cộng của môi trường kinh doanh Việt Nam

(BĐT) - Ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ trong năm 2016, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam năm 2017 sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng an toàn, lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật.
Nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao

Thay đổi tích cực

Ông Michael Behrens, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã và đang được Chính phủ nhiệm kỳ mới ưu tiên thực hiện trong năm qua. “Theo chỉ số BCI – kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh do EuroCham thực hiện hàng quý, phản hồi từ các doanh nghiệp (DN) thành viên trong năm 2016 thể hiện kỳ vọng cho tương lai gần và hài lòng với tình hình hiện tại. Các DN thành viên EuroCham duy trì đánh giá lạc quan đối với thị trường Việt Nam cũng như cơ sở kinh doanh của họ tại Việt Nam, đặc biệt là vào quý III/2016” - ông Michael Behrens chia sẻ.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 (VBF 2016) diễn ra tại Hà Nội vào những ngày cuối tháng 12/2016, bà Virginia B. Foote - Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ (AmCham) cho rằng, năm 2016, nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam đang được hưởng sự ổn định tăng trưởng mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải “ghen tỵ”. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiền tệ được quản lý chặt chẽ đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thuế, cộng đồng DN quốc tế cũng ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, pháp luật thuế nhằm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Những nỗ lực cải cách của ngành thuế đang phát huy tác động tích cực tới cộng đồng DN, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo ông Michael Behrens, dự kiến tháng 3/2017, ấn phẩm “Sách Trắng” lần thứ 9 tổng hợp các kiến nghị từ cộng đồng DN thành viên sẽ được công bố. Ấn phẩm được kỳ vọng là nguồn thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. EuroCham luôn sẵn sàng trình bày các kiến nghị đề cập trong “Sách Trắng”  và hỗ trợ Chính phủ tìm ra các giải pháp đem lại lợi ích cho cộng đồng DN trong nước và nước ngoài cũng như môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Đại diện EuroCham cũng mong rằng, các cải cách của Chính phủ Việt Nam đối với chính sách đầu tư, thương mại sẽ tiến tới việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và được ưu tiên trong mục tiêu hội nhập toàn cầu của quốc gia trong năm 2017. “Một điều chúng tôi có thể chắc chắn đó là Chính phủ mới sẽ duy trì tinh thần hành động hướng đến EVFTA dự định thực thi vào năm 2018 và xây dựng đối thoại với cộng đồng DN châu Âu để triển khai hiệu quả các cải cách pháp lý hướng tới triển vọng tích cực trong quan hệ giao thương giữa EU và Việt Nam” – ông Michael Behrens tin tưởng.

Ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách để có được môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, giúp tăng lượng đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, JICA cũng đồng thuận với nhiều báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam là vẫn còn khoảng cách so với mong đợi của các DN FDI và cả DN Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu được nhìn nhận là sự chậm trễ trong việc ra những quyết định chính sách ở mỗi cấp chính quyền Việt Nam.

Do đó, ông Yamamoto Kenichi khuyến nghị, Chính phủ cần phải thực hiện các chính sách cải thiện môi trường đầu tư bằng cách tái cơ cấu các khu vực chủ chốt, bao gồm các DNNN, hệ thống ngân hàng và logistics. Đặc biệt, ông Yamamoto Kenichi cho rằng, khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam chỉ có thể được tăng cường mạnh mẽ hơn khi Chính phủ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ tài chính cho các DN vừa và nhỏ đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế tài chính thuận lợi cho nông dân hoặc các DN nông nghiệp có kế hoạch kinh doanh cụ thể và khả thi trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần được coi là một trong những biện pháp quan trọng giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp vì nó được xem là yếu tố then chốt để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Bà Virginia B. Foote cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng khuyến khích xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn và lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Ngoài ra, cần chú trọng cải thiện chất lượng nguồn lao động, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. “Hoa Kỳ sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam hiện đại hóa và cải thiện các chương trình giảng dạy, đặc biệt ở cấp đại học và chương trình dạy nghề, giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục và kinh nghiệm làm việc thực tiễn với các quốc gia láng giềng”, bà Virginia B. Foote khẳng định.

Chuyên đề