Nhiều tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực đối với Việt Nam

(BĐT) - Theo báo cáo “Triển vọng thị trường Bất động sản Việt Nam 2018” của Công ty TNHH CBRE (Việt Nam) vừa mới công bố, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong năm qua đã báo hiệu một năm 2018 đầy lạc quan.
Hiện đang có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang trong quá trình thực hiện ở những tỉnh thành lớn của Việt Nam bao gồm Hà Nội và TP.HCM. Ảnh Thanh niên
Hiện đang có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang trong quá trình thực hiện ở những tỉnh thành lớn của Việt Nam bao gồm Hà Nội và TP.HCM. Ảnh Thanh niên

CBRE cho rằng, ngoài một số quan ngại về sự tăng trưởng tín dụng, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhờ vào sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Kết quả tăng tưởng GDP ấn tượng 6,8% năm 2017 giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á. Ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển, trong khi ngành dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

“Trong năm 2017, vốn FDI vào thị trường Việt Nam đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 36 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 21 tỷ USD đến từ những dự án mới được cấp phép. Về cán cân thương mại, Việt Nam liên tục cải thiện cán cân thương mại trong ba năm trở lại đây”, CBRE nhận định.

Năm 2017, Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD so với 3,5 tỷ USD nhập siêu năm 2015. Hiệp định CPTPP được thông qua vào ngày 8/3/2018 ở Chile và Việt Nam được kỳ vọng là sẽ nhận được nhiều lợi ích, dù rằng hiện nay Mỹ đã rút khỏi hiệp định này.

Bên cạnh việc gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hiệp định CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội xâm nhập những thị trường xuất khẩu lớn hơn. Cụ thể, thông qua hiệp định này Việt Nam sẽ tiếp cận được với thị trường Canada, Mexico và Peru, đây là những thị trường lớn về giày da, may mặc và thiết bị điện tử mà Việt Nam chưa thiết lập quan hệ đối tác.

Trải qua giai đoạn biến động từ năm 2007-2012, cùng với việc nền kinh tế dần phục hồi, tỷ lệ lạm phát và lãi suất ở Việt Nam được duy trì ổn định và giữ ở mức thấp từ năm 2013. Chính phủ muốn ổn định mức lạm phát và lãi suất nhằm củng cố lòng tin của nhà đầu tư. Trong năm qua, việc Ngân hàng Nhà Nước hạ mức lãi suất cho vay khiến cho các ngân hàng thương mại cũng hạ mức lãi suất của họ và điều này giúp cho các cá nhân và tổ chức dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.

Tuy nhiên, CBRE cho hay,  việc tăng trưởng tín dụng cũng dấy lên nhiều lo ngại về tính ổn định, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đang rất cao. Trong năm 2018, mức lạm phát được dự báo là sẽ tăng nhẹ nhưng vẫn nằm trong mục tiêu 4% của chính phủ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ được kỳ vọng tiếp tục đà tăng trưởng sau khi giá trị vốn hóa thị trường tăng 73% và chỉ số VN-Index tăng 48% trong năm 2017. Những dấu hiệu tích cực của thị trường chứng khoán cùng với sự phục hồi của nền kinh tế giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Hiện đang có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang trong quá trình thực hiện ở những tỉnh thành lớn của Việt Nam bao gồm Hà Nội và TP.HCM. Những dự án này là một phần trong kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của chính phủ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á, Việt Nam là nước có tỷ trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng cao nhất ở trong khu vực. Mức độ đầu tư cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng trong những năm qua đạt mức trung bình 5,7% GDP. Đây là mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và tiến gần đến mức 6,8% của Trung Quốc.

Ở những thành phố lớn, nơi mà vấn đề kẹt xe đang gây khó khăn cho các chủ đầu tư bất động sản thì việc gia tăng mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Hai dự án tàu điện ngầm được dự kiến hoàn thành vào năm 2018 và 2020 ở Hà Nội và TP.HCM sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông công cộng, từ đó tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư phát triển dự án ở những khu vực xa trung tâm hơn.

Chuyên đề