Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý dự án BOT

(BĐT) - Qua thanh tra hàng chục dự án BOT trên cả nước, các bộ, ngành đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề nổi cộm của dự án BOT như: vống tổng mức đầu tư, chất lượng dự án BOT không đảm bảo, nhà đầu tư không góp đủ vốn, gánh nặng rủi ro cho ngân hàng… 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những vấn đề mấu chốt nhất của dự án BOT cần được chấn chỉnh chính là sự lỏng lẻo trong quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án BOT. 

Nhiều hệ lụy từ quản lý lỏng lẻo

Tính đến thời điểm hiện tại, gần như tất cả dự án BOT đã và đang triển khai thời gian qua đều đã bị các cơ quan như: Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán nhà nước; thanh tra các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải (GTVT)… “sờ gáy”. Tại mỗi dự án cụ thể, các đoàn thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vấn đề có tính “kinh điển” như: vống tổng mức đầu tư, vi phạm quy định về góp vốn chủ sở hữu, tùy tiện trong chọn nhà thầu thực hiện, chất lượng dự án BOT không đảm bảo, lãng phí trong đầu tư một số hạng mục… Tuy nhiên, có một điểm chung nổi bật là gần như ở dự án BOT nào, qua thanh tra cũng chỉ ra những “lỗ hổng” trong quản lý nhà nước đối với dự án, để lại nhiều hệ lụy.

Cụ thể, tại Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định: “Ban PPP của Bộ GTVT đã không thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước được giao trong việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Cụ thể là chưa thực hiện việc đánh giá sự cần thiết đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ nguồn ngân sách sang hình thức hợp đồng BOT làm tăng thêm 75% tổng mức đầu tư…

Tương tự, tại Dự án BOT cầu Đồng Nai, Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra rằng, hồ sơ dự án BOT cầu Đồng Nai được duyệt khi chưa đầy đủ cơ sở pháp lý: thiếu văn bản thỏa thuận khổ thông thuyền của Cục Đường thủy nội địa, phê duyệt dự án đầu tư trước thời điểm báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt…

Còn tại Dự án BOT cầu Yên Lệnh, Thanh tra Bộ GTVT cũng khẳng định, Hợp đồng BOT được ký kết giữa Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và Liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đã được ký trước gần 1 năm so với thời điểm được cấp Giấy phép đầu tư thực hiện dự án... 

Cần giải quyết bài toán “gốc”

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với dự án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước thì việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án BOT lỏng lẻo hơn nhiều. Thời gian qua, đối với các dự án BOT, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát chi phí ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; còn việc lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán, triển khai thi công do nhà đầu tư kiểm soát. Sau đó, việc quyết toán giá trị hợp đồng dự án mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trên cơ sở báo cáo quyết toán do nhà đầu tư lập được tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán.

Còn theo ông Hà Văn Hiền, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về mặt quản lý, rõ ràng việc giao cho doanh nghiệp dự án quản lý các dự án BOT là có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là về chất lượng. Cần phải có những quy định về tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng của các dự án BOT và có cơ chế ràng buộc cụ thể. Ông Hiền cũng cho biết, việc minh bạch các dự án BOT là vấn đề có nhiều ý kiến nhất hiện nay, như: việc xác định dự án BOT theo quy hoạch nào không hay là do yêu cầu của địa phương, đề xuất của nhà đầu tư? Ai lập báo cáo dự án BOT, ai thẩm định, ai phê duyệt? Liệu có khách quan không nếu nhà đầu tư lập dự án rồi để cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt? Cơ chế ràng buộc trách nhiệm ra sao? Sao không đấu thầu dự án BOT, mà chỉ định nhà đầu tư là chính?...

Trao đổi thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề của các dự án BOT thời gian qua thì nhiều, nhưng quan trọng là phải giải quyết được bài toán “gốc”, đó chính là siết lại công tác quản lý nhà nước đối với các dự án BOT. Lâu nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng làm dự án BOT là tiền của nhà đầu tư, nên việc quản lý dự án BOT phó mặc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án “tự chủ”. Việc kiểm soát và quản lý chặt chẽ các dự án BOT sẽ giảm thiểu được tối đa những vấn đề phát sinh không mong muốn, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

Chuyên đề