Nhiều hệ lụy từ giải ngân vốn đầu tư công chậm

(BĐT) - Từ giữa năm 2017 đến nay, dù Chính phủ đã liên tục hối thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng bước sang năm 2018, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm chạp. Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn gia tăng áp lực trả nợ.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 so với kế hoạch được giao chỉ đạt gần 84%. Ảnh: Lê Tiên
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 so với kế hoạch được giao chỉ đạt gần 84%. Ảnh: Lê Tiên

Hầu hết các địa phương giải ngân chậm

Theo quy định, đến hết ngày 31/1 năm sau mới hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn năm trước. Tuy nhiên, qua rà soát, hầu hết các địa phương đều không hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.

Điển hình như, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Nông năm 2017 là hơn 1.150 tỷ đồng, chỉ đạt trên 74% kế hoạch. Thậm chí, có 2 nguồn vốn đến ngày 31/12/2017 tỉnh này còn giải ngân dưới 50% kế hoạch là Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ với 40,9% và vốn trái phiếu chính phủ là 9,85%. Năm 2018, tỉnh này được giao hơn 2.240 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 2/2018, Đắk Nông mới giải ngân được 168 tỷ đồng, chỉ đạt 7,5% kế hoạch.

Tại Lai Châu, tính đến cuối tháng 12/2017, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh này chỉ đạt 54,02% kế hoạch (hơn 1.130 tỷ đồng). Còn tại Bắc Kạn, tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm 2017 cũng chỉ đạt hơn 68% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Là thành phố lớn với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội cũng chỉ đạt khoảng 81% kế hoạch được giao. Cụ thể, đến 31/12/2017, Thành phố đã giải ngân được hơn 28.467 tỷ đồng trong 37.232 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư tập trung là hơn 27.276 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch; giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn chương trình mục tiêu của Thành phố (giảm thiểu ùn tắc giao thông) trên 1.107 tỷ đồng, đạt 78,56% kế hoạch. 

Tiến độ giải ngân chậm của nhiều địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân chung của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 so với kế hoạch được giao chỉ đạt gần 84%. Và theo số liệu mới nhất, 2 tháng đầu năm 2018, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt gần 7.500 tỷ đồng, bằng 1,95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân vốn ngân sách nhà nước ước đạt gần 7.300 tỷ đồng, bằng 2,12% kế hoạch; giải ngân vốn trái phiếu chính phủ đạt 200 tỷ đồng, bằng khoảng 0,52% kế hoạch. 

Nhiều hệ lụy từ giải ngân chậm

Có nhiều nguyên nhân được các địa phương đưa ra để giải thích cho việc chậm giải ngân. Với Đắk Nông là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, năng lực nhà thầu hạn chế, vướng mắc về thủ tục, điều kiện thời tiết không thuận lợi… Còn với Bắc Kạn là do một số dự án không đủ điều kiện thanh toán theo Luật Đầu tư công, rồi việc triển khai các thủ tục đầu tư của cấp huyện, cấp xã còn lúng túng… nên nhiều dự án chưa thể giải ngân.

UBND tỉnh Lai Châu thì nêu nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do quy trình thực hiện đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, một số dự án vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thay đổi địa điểm đầu tư, công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành ở một số dự án chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một nguyên nhân nữa là do nguồn vốn trung ương và địa phương có quyết định phân bổ kế hoạch vốn sau 30/6/2017 khá lớn, khoảng 458 tỷ đồng, chiếm 22% tổng kế hoạch vốn được giao.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hệ quả của việc giải ngân chậm sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Ba là, nhà thầu phải đi vay ngân hàng.

“Vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên cần phải quản lý thật chặt. Không cố gắng giải ngân sẽ dẫn tới đầu tư không hiệu quả, lãng phí, thất thoát, nhưng không vì thế mà để xảy ra tình trạng trì trệ dẫn đến nhiều hệ lụy. Giai đoạn này cần tập trung vốn vào các dự án quan trọng có tính chất lan tỏa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng”, ông Thiên nêu quan điểm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có vấn đề về cơ chế chính sách. Đó là những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và cả năng lực của đơn vị thi công.

Về vấn đề chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một dự án trước khi được giao kế hoạch cần phải trải qua nhiều công đoạn như: Phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, xây dựng và tổng hợp kế hoạch... Năm 2017 là năm đầu tiên chính thức thực hiện luật hóa đầu tư công và nhiều quy định khác liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm. Do có nhiều quy định rất chặt chẽ, nên các bộ, ngành, địa phương và cả chủ đầu tư có nhiều bỡ ngỡ trong triển khai. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, sau khi đã trải qua quá trình tập dượt, trình tự các bước đã được thông suốt, những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.

Chuyên đề