Nhiều dấu hỏi về việc quản lý, sử dụng vốn vay

(BĐT) - Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả điều hành nền kinh tế của Chính phủ trong hơn 1 năm qua, đặc biệt đã chỉ đạo rốt ráo trong công tác cán bộ; quyết tâm tạo ra phong trào khởi nghiệp, củng cố niềm tin đối với doanh nghiệp, người dân... 
Để kiểm soát nợ công, phải có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là chấn chỉnh những tồn tại trong đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi
Để kiểm soát nợ công, phải có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là chấn chỉnh những tồn tại trong đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, từ những ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội có thể nhận thấy, vẫn còn đó những nỗi lo về tính bền vững của nền kinh tế thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Tín dụng có chảy đúng hướng

Nỗi lo của nhiều đại biểu là tín dụng có chảy đúng địa chỉ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP.HCM nhận định, tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 đạt 18% là khá cao, nhưng tín dụng tăng vào những ngành nào và hiệu quả mang lại ra sao thì chưa được nhận diện đầy đủ. Ông Tuấn cho rằng, nếu đi vào những ngành không ổn định, các kênh đầu cơ như bất động sản thì cần phải xem lại.

Đại biểu Phạm Quang Thanh, đoàn Hà Nội chung câu hỏi “chưa hiểu tín dụng chảy đi đâu?” khi tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm trở lại đây, nhưng tăng trưởng GDP lại thấp so với nhiều năm gần đây? Đại biểu Thanh lo ngại tín dụng chảy vào thương mại, không tạo ra giá trị gia tăng lớn và chảy vào bất động sản.

Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình dẫn ra một ví dụ, có mối liên quan nào giữa việc bất động sản TP.HCM tăng trưởng đột biến thời gian gần đây và tín dụng 4 tháng tăng trưởng mạnh? Nếu không quan tâm đến vấn đề tín dụng đầu tư vào đâu, có thể dẫn đến lạm phát không kiểm soát được. Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo cho phát triển doanh nghiệp bằng những giải pháp hỗ trợ tín dụng, nhưng phải là doanh nghiệp chân chính, chứ không phải lợi dụng chính sách, đầu cơ chớp nhoáng, gây hậu quả tiêu cực. 

Nỗi lo nợ công

Đặt câu hỏi “thực tế nợ công chính xác là bao nhiêu?”, đại biểu Nguyễn Thuận Hữu, đoàn Hải Phòng thể hiện sự băn khoăn về con số nợ công đã được công bố. Bởi lẽ, theo ông Hữu, mười mấy công trình đắp chiếu đã biết bao nhiêu tiền, đụng đâu cũng thấy năm bảy nghìn tỷ, thậm chí trăm nghìn tỷ. Tổng số công trình, tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, nợ nần, dự án kém hiệu quả, thất thoát lãng phí cộng vào có khi ngang với con số nợ công hiện nay.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ lưu ý, năm 2016 bội chi đã vượt dự toán, trong lúc khó khăn này, nếu vẫn điều hành như cũ thì khả năng vượt trần nợ công là rất hiện hữu. “Vay nợ đã đến mức báo động, gần chạm trần”, đại biểu Hàm cảnh báo.

Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới phải có giải  pháp đồng bộ, đặc biệt là chấn chỉnh những tồn tại trong đầu tư công, tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, thất thoát, vấn đề nợ xấu. Đồng thời, cần phải cắt giảm ngay các khoản chi không cần thiết, nhìn đã thấy lãng phí, phản cảm như lễ hội, hội thảo, hội nghị, khởi công, khánh thành.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm nếu vi phạm về chi ngân sách. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều khoản chi sai, không đúng chế độ, không đúng nguồn kinh phí. Quy định của Nhà nước đã có chế tài tương đối đầy đủ, nhưng thực hiện xử lý không nghiêm. Nếu xử lý vi phạm chỉ nhắc nhở thì không chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương tài khóa. 

Trong khi những rủi ro nợ công hiện hữu, thì thu ngân sách nhà nước không bền vững sẽ tiềm ẩn khả năng tăng bội chi, ảnh hưởng đến nợ công. Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, trong Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, thu ngân sách luôn thể hiện sự không bền vững. “Khi thu không đủ chi, thì để đảm bảo dự toán, chúng ta thường tăng khai thác dầu, thu từ đất, đây là nguồn thu không bền vững, là của để dành. Nếu giá dầu giảm, giá đất giảm, mà chúng ta tăng khai thác thì không có lợi”, ông Hàm nhận định.

Chuyên đề