Nhiều cơ hội cho ngành da giày

(BĐT) - Sản xuất và xuất khẩu giày, da của Việt Nam trong năm 2017 có triển vọng tốt hơn năm 2016. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này cho rằng để khai thác tốt các cơ hội trong năm nay, cần nhiều hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Nhà nước.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tốc độ tăng trưởng dự kiến cao hơn năm 2016

Sản xuất và xuất khẩu giày, da của Việt Nam trong năm 2017 dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016.

Hai lý do để Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) đưa ra dự báo trên, đó là chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da, giày trong năm 2016 chỉ tăng 3,7% và kim ngạch xuất khẩu của ngành này chỉ tăng 8,8% so với năm 2015. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới trong năm nay sẽ khởi sắc hơn năm ngoái và Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da, giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch LEFASO, trong năm nay có khả năng một số đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng cơ hội Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Cộng thêm dư địa về sản xuất và xuất khẩu của ngành da, giày còn nhiều, nên chắc chắn năm nay kết quả sẽ khả quan.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, định hướng phát triển của ngành da, giày trong năm nay và các năm tới phải kiên định và rõ ràng. Nghĩa là, phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm da, giày theo hướng khai thác lợi thế và tiềm năng mở cửa thị trường tại các nước tham gia các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Nhất là, đẩy mạnh đầu tư đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da, giày trong nước, trong khu vực và toàn cầu. 

Cần nhiều hỗ trợ về mặt chính sách

Điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành da, giày theo hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký LEFASO cho biết, việc thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da, giày là rất quan trọng. Ngoài ra, phải phát triển thị trường da, giày trong nước theo hướng xây dựng hệ thống phân phối hiện đại và tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu xung quanh vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình hay gói hỗ trợ thiết thực như các ưu đãi về tín dụng, về thuế, về thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất, về đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thêm vào đó, xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu với các ưu đãi về thuê đất và hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải để chủ động khai thác nguồn nguyên liệu trong nước.

Ông Nguyễn Đức Thuấn kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành da, giày theo hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ gia công xuất khẩu và có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đặc biệt, có giải pháp quyết liệt để hạn chế hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu tiểu ngạch.

Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng giày, dép và có tỷ trọng xuất khẩu cao, chiếm 91,3% trên tổng sản lượng giày sản xuất được. Trong khi đó, Campuchia xuất khẩu 82,5% sản lượng và Trung Quốc xuất khẩu 73% sản lượng. Đó là những tín hiệu đáng mừng vì tiềm năng ấy không phải nước nào cũng có được. Cho nên, theo LEFASO, những dự báo của họ đưa là hoàn toàn có cơ sở và thuyết phục.

Chuyên đề