Nhiều chính sách đang tác động lên thị trường bất động sản

(BĐT) - Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong năm 2016, Nhà nước và các ban ngành liên quan đã ban hành hoặc lên kế hoạch về một số nghị định có thể tác động đến nhiều phân khúc khác nhau của thị trường.
CBRE cũng vừa công bố tiêu điểm quý IV/2016 về triển vọng thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2017 cho thấy, thị trường bất động sản khu vực này sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng của năm 2016. Ảnh: Tường Lâm
CBRE cũng vừa công bố tiêu điểm quý IV/2016 về triển vọng thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2017 cho thấy, thị trường bất động sản khu vực này sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng của năm 2016. Ảnh: Tường Lâm

Trong số đó, phải kể đến Thông tư 06/2016/TT-NHHH, ban hành nhằm giảm sự phụ thuộc của nhà đầu tư vào tiền vay ngân hàng, do đó nhiều nhà đầu tư sẽ phải hướng đến các quỹ đầu tự nội địa, nhà đầu tư nước ngoài hoặc quỹ đầu tư nước ngoài. Thông tư này được dự báo sẽ tạo ra thách thức mới cho các nhà đầu tư nhỏ ở khắp các phân khúc bất động sản. Mặt khác, tín dụng cho người mua bất động sản lại tăng mạnh, ở mức 14,2%  trong năm qua, cùng với tỉ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2,6% và có thể giảm thấp hơn. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dự báo, nguồn vốn FDI và lượng kiều hối đổ về Việt Nam cũng tăng mạnh trong năm 2016 sẽ hỗ trợ đà phát triển của thị trường bất động sản trong các năm tới.

CBRE cũng vừa công bố tiêu điểm quý IV/2016 về triển vọng thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2017 cho thấy, thị trường bất động sản khu vực này sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng của năm 2016.

Về thị trường căn hộ bán, năm 2016 kết thúc với một quý khá bận rộn với 9.145 căn hộ được mở bán trong 28 dự án trên toàn thành phố, trong đó có 18 dự án mới. Xét về vị trí, thị trường căn hộ tại TP.HCM tiếp tục mở rộng về phía Đông và Nam. Khu vực phía Đông vượt qua phía Nam để trở thành tâm điểm nhờ sự cải thiện của cơ sở hạ tầng bao gồm: tuyến metro số 1, xa lộ Hà Nội mở rộng, đường cao tốc trên cao TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và việc phê duyệt dự án sân bay Long Thành.   

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc phòng Nghiên cứu và Tư vấn nhận định: “Khách hàng hiện tại được trang bị đầy đủ thông tin và có yêu cầu cao hơn, họ không chỉ tìm kiếm một căn nhà mà là cả khu dân cư sinh sống ở đó nữa. Bàn giao đúng thời điểm là yêu cầu mặc định, ngoài ra các dự án mới cần có trang thiết bị tốt và đáp ứng được một cộng đồng lành mạnh.”

Với các yếu tố vĩ mô tích cực như tốc độ tăng GDP khả quan, tỷ giá hối đoái ổn định và nguồn FDI dồi dào vào Việt Nam, đặc biệt vào thị trường bất động sản từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, triển vọng thị trường căn hộ được dự đoán vẫn sẽ khả quan trong năm tới.

Thị trường năm 2017 cũng được dự báo sẽ tập trung hơn vào thị phần bình dân và trung cấp, với gần 40% tổng số căn mới chào bán thuộc phân khúc bình dân. Chủ đầu tư trong nước và các công ty liên doanh đang rất tích cực trong việc điều chỉnh dự án của mình sao cho phù hợp với xu hướng thị trường. Cụ thể, Vingroup có kế hoạch mở bán hai dự án phân khúc bình dân tại quận 9 và huyện Bình Chánh. Quỹ đất sẵn có, cải thiện đường giao thông kết nối và nhu cầu cao ở các phân khúc này là những động lực chính.

Đối với thị trường bất động sản gắn liền với đất, giá chào bán đất nền dự án tăng mạnh trong năm 2016, đặc biệt ở những khu vực tâm điểm như quận Thủ Đức, quận 9, quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh v.v.v. Giá chào bán ở những nơi này tăng trung bình 20%-40% so với năm trước. Việc tăng giá có thể được lý giải bởi một số dự án cơ sở hạ tầng đã được hoàn thành trong năm vừa qua, tăng cường kết nối giữa các vùng trong thành phố. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng việc tăng giá được ghi nhận ở giá chào bán từ bên bán, vì thế có thể không phản ánh đúng nhu cầu thị trường – CBRE nhận định.

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, với đà tăng trưởng sẵn có, nhiều nhà đầu tư lớn sẽ mở rộng đầu tư ở những vùng hiện chưa được khai thác mạnh.

Liên quan đến thị trường bán lẻ, năm 2016, TP.HCM chào đón 5 trung tâm mua sắm mới, một ở khu vực trung tâm và bốn ở khu vực ngoài trung tâm, thêm vào thị trường hơn 192.000 m2 diện tích thực thuê, tăng 50% so với cùng kì năm trước. Các dự án mới này đã mang đến thị trường nội địa nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều phân khúc khác nhau, từ thời trang cao cấp cho đến các nhà hàng, quán cà phê, siêu thị. Theo nghiên cứu của CBRE, có 17 nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng mới vào thị trường TP.HCM trong năm 2016, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015.

Trong ba năm tới, Thành phố dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 500.000 m2 diện tích bán lẻ thực thuê, 55% trong số đó đang được xây dựng, trong khi phần còn lại vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch. Trung tâm mua sắm sẽ chiếm 75% nguồn cung trong tương lai và 20% còn lại sẽ là các khối bán lẻ. Sự gia tăng nguồn cung trong tương lai ở khu ngoài trung tâm dự kiến sẽ làm giảm giá thuê trung bình khoảng 2% trong hai năm tiếp theo.

Đối với thị trường văn phòng, CBRE nhận định, sắp tới trong năm 2017, các yếu tố kích cầu chính cho các hoạt động cho thuê đến từ việc các khách thuê mở rộng và di chuyển đến các tòa nhà mới. Các khách thuê Hạng A sẽ tiếp tục đà di chuyển đến các tòa nhà mới hơn khi hợp đồng thuê của họ kết thúc; với các khách thuê Hạng B hấp thụ nhanh chóng các diện tích trống đến từ việc các khách thuê Hạng A di chuyển. Các khách thuê cũng có xu hướng mở rộng văn phòng trong tòa nhà đang thuê hiện tại hoặc khi họ di chuyển đến tòa nhà mới. Theo các giao dịch được CBRE ghi nhận, nguồn cấu lớn nhất vẫn đến từ các ngành Tài chính – Ngân hàng, Dịch vụ Logistics và Công nghệ thông tin. Khi thị trường khởi nghiệp ngày càng bùng nổ ở Việt Nam, các khách thuê sẽ có thêm sự lựa chọn từ các không gian làm việc chung và các văn phòng dịch vụ thay vì hình thức văn phòng truyền thống. CBRE dự kiến các tòa nhà cũ sẽ tận dựng các khối đế hương mại không còn hoạt động và các diện tích văn phòng khó cho thuê để phát triển thành các văn phòng dịch vụ hoặc không gian làm việc chung.

Chuyên đề