Nhiều bệnh viện tư ngập nợ, “đắp chiếu”

(BĐT) - Những năm 2000 được xem là giai đoạn phát triển nóng của mô hình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế với hàng loạt bệnh viện tư nhân mọc lên như nấm sau mưa. Gần đây, câu chuyện xã hội hóa đầu tư lĩnh vực y tế lại nóng lên, khi một số bệnh viện tư nhân rơi vào tình cảnh nợ nần, đắp chiếu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Một thời nở rộ

Theo ông Nguyễn Quang Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa), Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, những năm 2000, tư nhân đầu tư xây dựng những dự án trong lĩnh vực y tế được hưởng nhiều ưu đãi. Tận dụng cơ hội đó, nhiều nhà đầu tư tư nhân đua nhau rót vốn, tạo thành một “cơn sốt” xã hội hóa đầu tư y tế.

Cụ thể như tại TP.HCM, từ năm 2000, Thành phố đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất vay vốn thông qua Chương trình kích cầu cho các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là Chương trình xã hội hóa trong đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục. Những năm sau đó, Thành phố cũng có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển lĩnh vực này. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 1 bệnh viện tư vào năm 2000, đến năm 2013, Thành phố có 39 bệnh viện tư nhân.

Với hình thức liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập, đến cuối năm 2014, TP.HCM có 18 bệnh viện với 60 đề án thực hiện hình thức đối tác lắp đặt thiết bị, bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ. Đáng lưu ý, trong tổng giá trị vốn liên doanh liên kết là 438 tỷ đồng, vốn đối tác chiếm 397 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động của các bệnh viện ra đời theo phong trào xã hội hóa đang ngày một khó khăn. Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cả nước hiện có hơn 170 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư và cơ sở dịch vụ y tế. Nhiều bệnh viện tư nhân có quy mô lên đến 400 - 500 giường bệnh với trang thiết bị y tế hiện đại, có khu điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Song, đa số bệnh viện chỉ sử dụng khoảng 40% - 50% công suất giường bệnh. Nhiều bệnh viện tư đang hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi chủ…

Tại TP.HCM, không ít bệnh viện tư “vang bóng một thời” đã phải chấp nhận trở thành vệ tinh của các bệnh viện công lập lớn để tồn tại. Đáng buồn hơn, phải kể đến trường hợp Bệnh viện Đa khoa Tây Đô (Cần Thơ), thời hoàng kim, đơn vị này từng đạt doanh thu khoảng 500 - 600 triệu đồng/ngày và là bệnh viện hiện đại bậc nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lúc đó. Thế mà hiện nay, Bệnh viện này đang trong tình trạng “đắp chiếu”.

Và mới đây là một loạt bệnh viện tư nhân ở nhiều địa phương rơi vào tình cảnh như nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội của y, bác sĩ, người lao động, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn (Nghệ An), Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức (Hải Phòng)…

Muôn vàn khó khăn

Hiện đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực giữa các bệnh viện tư nhân. Bệnh viện nào yếu và uy tín không lớn thì rất khó thu hút nguồn nhân lực. 
Trước tình trạng không ít bệnh viện tư nhân đang rơi vào tình cảnh khó khăn hiện nay, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa vì rơi vào nợ nần, ông Nguyễn Quang Duy cho rằng, việc đầu tư xây dựng một bệnh viện vốn đã khó, nhưng việc duy trì hoạt động để bệnh viện đó hoạt động có hiệu quả lại càng khó hơn. Việc bệnh viện tư nợ lương, nợ bảo hiểm là một điều tối kỵ đối với một bệnh viện tư nhân, sẽ làm mất hết uy tín, thương hiệu của bệnh viện, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Lý giải nguyên nhân, ông Duy cho rằng, mấu chốt nhất vẫn là vấn đề nguồn nhân lực. Hiện đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực giữa các bệnh viện tư nhân. Bệnh viện nào yếu và uy tín không lớn thì rất khó thu hút nguồn nhân lực. Nhân lực cho bệnh viện tư nhân có 2 nguồn, một là các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm ở các bệnh viện công đã nghỉ hưu, còn sức khỏe và mong muốn tiếp tục cống hiến; hai là nguồn nhân lực trẻ. Nhưng lĩnh vực y tế cũng có những đặc thù riêng so với những ngành khác. Một bác sĩ ra trường đôi khi phải mất 10 năm mới cầm dao mổ được. Mặt khác, lực lượng bác sĩ giỏi thường tập trung ở thành phố lớn, cho nên việc mời một bác sĩ chuyên khoa hai, tương đương với trình độ tiến sĩ về làm việc tại các tỉnh lẻ, miền núi rất là khó. 

Cùng với nguồn nhân lực, theo ông Duy, sự cạnh tranh về trang thiết bị y tế hiện đại cũng là một thách thức đặt ra cho các bệnh viện tư. Thiết bị y tế thay đổi liên tục, ngành khoa học y tế phát triển tương đối “chóng mặt”. Hôm nay đầu tư thiết bị này có thể rất hiện đại, nhưng chỉ một hai năm sau thiết bị đó có thể lỗi mốt.

Chưa hết, khi kinh doanh một bệnh viện tư, phải chấp nhận sau 5, 7 năm thu mới bù chi được, sớm nhất là 5 năm mới đủ khấu hao. Thường vì không “trường vốn” nên nhiều bệnh viện đã “chết yểu”. Trong khi đó, kết quả thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân hiện còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do chính sách về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các bệnh viện tư và bệnh viện công còn có sự phân biệt, nhất là việc thông tuyến khám chữa bệnh, xếp hạng bệnh viện.

Chuyên đề