Nhắm đến các nguồn FDI thế hệ mới

(BĐT) - Các chính sách mở cửa thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo thêm nhiều việc làm và đa dạng hóa xuất khẩu. 
Nhóm nghiên cứu của IFC khuyến nghị xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Ảnh: Hoài Tâm
Nhóm nghiên cứu của IFC khuyến nghị xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Ảnh: Hoài Tâm

Đặc biệt trong thập kỷ vừa qua, lượng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng khoảng 10 lần, vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Do đó, Việt Nam cần có kế hoạch và thực hiện các cải cách mang tính đột phá để đối phó với những thách thức, đồng thời thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thách thức thu hút FDI thế hệ mới

Điểm lại tình hình thu hút FDI trong thời gian qua, ông Nguyễn Nội - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính riêng 6 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến ngày 20/6/2018, tổng vốn đăng ký là 331,236 tỷ USD đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực trải rộng trên khắp 63 tỉnh, thành phố.

Mặc dù dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục như vậy, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, sau 30 năm thu hút FDI, hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế. Do đó, nhiều câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh hiện nay như: Liệu chính sách ưu đãi có còn phù hợp hay không? Những lĩnh vực nào Việt Nam cần ưu tiên trong thời gian tới? Giải pháp nào để xây dựng một hệ thống tiêu chí sàng lọc dự án FDI công nghệ cao? Làm thế nào để tăng cường tính liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tận dụng những cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia?... Đây là những căn cứ để hoạch định chính sách thu hút FDI trong giai đoạn mới. Dự kiến, những nội dung này sẽ được đưa vào Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 tới.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn. Trong khi đó, việc thiếu lao động có kỹ năng, thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp địa phương... là những rào cản đối với tăng trưởng của Việt Nam. 

Đề xuất 8 giải pháp cải cách đột phá

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Nhóm nghiên cứu của Công ty Tài chính quốc tế  (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đề xuất 8 giải pháp cải cách mang tính đột phá để phá vỡ các rào cản, giải phóng tiềm năng thu hút FDI trong thời gian tới.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là triển khai các chính sách cụ thể nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị và hiệu ứng lan tỏa nhờ FDI, với trọng tâm là liên kết chuỗi giá trị và các chương trình phát triển nhà cung ứng có mục tiêu, liên kết thượng nguồn từ FDI. Trong đó, cần xác định những ưu tiên ngắn hạn (2018 - 2020), trung và dài hạn (2020 - 2030).

Để thu hút thêm nhiều dòng đầu tư có giá trị cao, Việt Nam cần phải hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển dịch từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến một số ngành ưu tiên, cần ban hành chiến lược, chính sách xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, cũng như tăng cường giới thiệu các chính sách, chiến lược về xúc tiến FDI ra nước ngoài.

Để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số/trực tuyến cạnh tranh được với các đối thủ khác trong khu vực.

Điều tra nguồn cung cấp trong tất cả các ngành, từ đó thúc đẩy mạnh nguồn cung kỹ năng để bảo đảm thực hiện FDI thế hệ mới. Rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành để có sự cải tổ toàn diện khung chính sách, chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên hiệu quả đầu tư. Qua đó, mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài. Xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao.

Thực tế, Việt Nam không hề thiếu chính sách, nhưng vấn đề tồn tại lâu nay lại chính là việc thực hiện chính sách.

Để thực hiện hiệu quả các khuyến nghị nêu trên, điều quan trọng nhất, theo đề xuất của Nhóm nghiên cứu IFC, Việt Nam cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới với đầy đủ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu và ngân sách. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chức năng thu hút đầu tư phân tán ở nhiều bộ, ngành làm giảm hiệu quả thu hút FDI. Điều phối FDI có ở cả cấp trung ương và địa phương gây ra tình trạng chồng chéo, lãng phí, trong khi Việt Nam chưa có một đầu mối rõ ràng, đủ năng lực trong lĩnh vực này.

Chuyên đề