Nghịch lý giải ngân ODA

(BĐT) - Nhìn lại tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi 9 tháng đầu năm 2016, dường như đang có một nghịch cảnh: nơi có tiền nhưng không tiêu được, nơi giải ngân nhanh nhưng không được bố trí đủ vốn theo nhu cầu giải ngân. 
Trong 9 tháng, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân 11.715 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Ảnh: Lê Tiên
Trong 9 tháng, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân 11.715 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ý kiến đề xuất, nên điều chuyển vốn của dự án ODA chậm giải ngân sang dự án giải ngân nhanh để không lãng phí nguồn lực. 

Người ăn không hết, kẻ lần không ra

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương đánh giá, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 9 tháng đầu năm 2016 không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Trong khi một số bộ, ngành, địa phương giải ngân tương đối cao thì còn nhiều đơn vị giải ngân rất thấp như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Quảng Ninh, Hưng Yên, Tây Ninh, Bình Định…

Đứng đầu top giải ngân chậm là Bộ TN&MT. Kế hoạch vốn năm 2016 được giao là 1.353 tỷ đồng, giải ngân 9 tháng của 31 dự án do bộ này quản lý khoảng 256 tỷ đồng, đạt 18,6% so với kế hoạch. Các dự án sẽ đẩy mạnh giải ngân vào quý IV, nhưng với tiến độ giải ngân như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2016, tình hình giải ngân của Bộ TN&MT không đạt kế hoạch.

Bộ Y tế đang quản lý 34 chương trình, dự án ODA với tổng kinh phí 31.406 tỷ đồng. Giải ngân 9 tháng ước đạt khoảng 40% kế hoạch, cả năm cũng chỉ khoảng 60% kế hoạch. Một số dự án mua sắm trang thiết bị y tế chậm do các bệnh viện làm chủ dự án thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện quy trình đấu thầu theo quy định của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam; chậm trong khâu thuê tư vấn thiết kế chi tiết, thẩm định thiết kế theo quy định của Luật Xây dựng…

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kế hoạch vốn nước ngoài được giao năm 2016 của Bộ là 16.250 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu giải ngân trong năm (khoảng 27.000 tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu năm, Bộ đã giải ngân 11.715 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch, phần còn lại sẽ giải ngân hết trong năm 2016. Một số đơn vị khác cũng giải ngân rất tốt, đến hết tháng 7/2016 đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch vốn nước ngoài được giao như Cần Thơ (94,6%), Hà Nội (83,5%), TP.HCM (110,5%).

Bộ KH&ĐT thống kê, hiện nay, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 cho một số bộ, ngành, địa phương là hơn 28 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 của Hà Nội khoảng 4.000 tỷ đồng, của TP.HCM 2.743 tỷ đồng, Phú Thọ 488 tỷ đồng, TP. Hải Phòng gần 1.000 tỷ đồng, Bộ GTVT 11.722 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT 1.800 tỷ đồng…

Bộ GTVT khuyến cáo, việc thiếu kế hoạch vốn nước ngoài để giải ngân cho các dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, còn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân khu vực dự án và gây bức xúc trong dư luận xã hội; các nhà thầu khiếu nại bồi thường về việc thanh toán chậm, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài. Một số dự án sắp hết hạn giải ngân như Dự án WB 5, WB 6, Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1… nếu không kịp bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài thì Chính phủ phải bố trí vốn trong nước để chi trả cho khối lượng còn lại của dự án. Đặc biệt, với những dự án kết thúc hiệp định trong năm 2016, sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án do không thể cân đối được vốn trong nước để chi trả khối lượng còn lại của dự án. 

Nên điều chuyển vốn của dự án chậm giải ngân

Nên điều chỉnh vốn từ những dự án giải ngân chậm cho những dự án giải ngân nhanh, nhất là dự án đang cần vốn mà gần hết thời gian hiệp định vay.
Theo Bộ KH&ĐT, có tình trạng thiếu vốn như nêu trên là do từ năm 2016, các bộ, ngành, địa phương không được phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và cam kết trong hiệp định như trước đây. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Quốc hội, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán; các bộ, ngành, địa phương chỉ được thực hiện và giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến cơ chế giao kế hoạch mới, nên việc dự kiến kế hoạch vốn nước ngoài không chính xác, không sát với thực tế. Ngoài ra, việc xác định khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài hàng năm cũng rất khó do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp vốn của nhà tài trợ, năng lực quản lý của chủ đầu tư và năng lực của nhà thầu.

Để gỡ vướng, ngày 30/9, Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 8056/BKHĐT-TH trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, với mức đề xuất bổ sung hơn 6.320 tỷ đồng cho các dự án đúng đối tượng, đủ điều kiện bổ sung vốn nước ngoài theo các tiêu chí, nguyên tắc đề ra, chủ yếu ưu tiên bổ sung cho các dự án kết thúc hiệp định năm 2016 và có khả năng giải ngân tốt.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề xuất, nên điều chỉnh vốn từ những dự án giải ngân chậm cho những dự án giải ngân nhanh, nhất là dự án đang cần vốn mà gần hết thời gian hiệp định vay. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khuyến nghị, vấn đề quan trọng nhất là vốn, cần điều hòa nguồn vốn đang có, nếu cứ bố trí lắt nhắt thì không làm được gì cả. Cùng một nguồn tiền ấy, nên gom dự án lại, lên danh mục dự án tập trung để thực hiện dứt điểm.

Chuyên đề