Nghịch lý đầu tư vào nông nghiệp

(BĐT) - Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thế nhưng vẫn chưa có nhiều DN tiếp cận được những chính sách này.
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao do chính sách chưa đủ mạnh. Ảnh: HT
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao do chính sách chưa đủ mạnh. Ảnh: HT

Sức hút lớn

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là hướng đi chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong thời gian gần đây, nhiều DN, nhà đầu tư nước ngoài và cả các DN kiều bào cũng đã và đang chuyển dịch vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp.

Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ giao lưu doanh nhân, DN Việt - Nhật, người Nhật đánh giá rất cao về tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng mong muốn được kết nối có hiệu quả với doanh nhân nông nghiệp của Việt Nam để góp phần bổ sung thế mạnh cho nhau.

Giáo sư Đặng Lương Mô - cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TP.HCM thì cho biết, tại các thành phố lớn ở Nhật Bản, bên cạnh các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, ngành nông nghiệp cũng phát triển rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. "Một nơi trồng rau sạch của Nhật Bản hầu như không cần công nhân, năng suất rất cao, cung ứng đủ cho cả một khu vực", GS. Đặng Lương Mô chia sẻ. Đây là mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi để nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lĩnh vực nông nghiệp đang có sức hút rất lớn đối với giới trẻ và đã có rất nhiều bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp từ lĩnh vực này. Với mong muốn mang đến những sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng, chàng trai trẻ Nguyễn Sắc Phong - Giám đốc dự án Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Nông Trang Xanh bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp sạch từ tháng 10/2016. Đến nay, một số sản phẩm của Công ty đã được thị trường đón nhận và Công ty đang có ý định mở rộng quy mô trang trại của mình và hướng đến xuất khẩu nông sản sạch, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới.

Ông Tony Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp và Công nghệ cao U.S Farm (Việt kiều Mỹ), chia sẻ, hiện ông đang đầu tư trang trại trồng nấm linh chi tại Việt Nam bởi thổ nhưỡng và khí hậu tại Việt Nam rất tốt cho loại nấm này. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang rất quan tâm đến thực phẩm sạch. Cũng theo ông Lâm, đối với lĩnh vực nông nghiệp cần đầu tư tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có đầu ra sản phẩm và giải quyết việc làm bền vững hơn. Việc hình thành mô hình sản xuất tiêu dùng sản phẩm khép kín sẽ cho những sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo uy tín và sự tin tưởng cho người tiêu dùng. 

Nhà đầu tư vẫn e ngại

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, thế nhưng nhiều DN vẫn còn e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này do chính sách chưa đủ mạnh hoặc khó áp dụng.

Điển hình như ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thị trường.

Nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, điều kiện được vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao là rất khó. Điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp phải được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao và hiện cả nước mới có 28 DN được cấp chứng nhận này. Trong khi đó, thời gian thẩm định quá lâu ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của DN.

Theo phân tích của TS. Nguyễn Quốc Vọng - chuyên gia về nông nghiệp, các DN tư nhân có cảm nhận rất nhạy bén về thị trường, nếu họ cảm nhận thị trường không phát triển được, không đem đến lợi nhuận thì họ sẽ không đầu tư nữa. Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần tháo gỡ những nút thắt về chính sách đất đai, hạ tầng, tín dụng..., đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm.

Chuyên đề