Ngành gỗ “nhắm” thị trường TPP

(BĐT) - Lĩnh vực xuất khẩu gỗ của Việt Nam hy vọng sẽ có nhiều điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của các quốc gia trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).    
Nguồn nguyên liệu là 1 trong 3 “nút thắt” của xuất khẩu gỗ trong năm 2016. Ảnh: Tiên Giang
Nguồn nguyên liệu là 1 trong 3 “nút thắt” của xuất khẩu gỗ trong năm 2016. Ảnh: Tiên Giang

Kênh tiêu thụ hấp dẫn?

Mới đây, lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ Việt Nam hy vọng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… trong TPP.

Số liệu của Hoa Kỳ cho biết, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hoá, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã khoảng 10 - 12 tỷ USD. Theo HAWA, với lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ Việt thì đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nước chưa có quan hệ hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hoa Kỳ.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, đối với những DN chế biến gỗ, lợi ích về mặt thuế quan không nhiều, vì đồ gỗ Việt Nam đang xuất khẩu sang các quốc gia TPP với mức thuế từ 0% - 3%. Trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này chịu mức thuế từ 0% - 4,04%, ngoại trừ 2 nước là Peru có mức thuế 15% và Mexico là 16,3% đối với đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam do chưa có Quy chế MFN.

Cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các DN gỗ muốn đổi mới công nghệ để vừa cải thiện môi trường sản xuất, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngoài ra, vẫn còn nỗi lo là các DN chế biến gỗ Việt Nam chưa nắm rõ về các thông tin mua sắm công trong TPP. Hơn nữa, trong TPP quy định nguồn nguyên liệu phải được nhập khẩu từ 12 nước thành viên, nhưng với ngành gỗ thì nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ các nước ngoài 11 nước TPP khác. Đây cũng là thách thức lớn cho xuất khẩu gỗ.

Theo lãnh đạo của HAWA, để thực hiện hiệu quả việc xuất khẩu sang các nước trong TPP cho ngành gỗ, bên cạnh việc giữ vững thị trường nội địa thì vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước cần khuyến khích xem xét nguồn gốc gỗ khi mua sắm, bắt đầu là chính sách mua sắm công. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các DN gỗ muốn đổi mới công nghệ để vừa cải thiện môi trường sản xuất, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, việc nâng thị phần tiêu thụ hàng nội thất gỗ của Việt Nam trên thị trường thế giới (trong đó có TPP) từ 1,5% hiện nay lên 5% sẽ không khó nếu thực hiện được các giải pháp căn cơ. Nhất là cần duy trì đà phát triển các thị trường chủ lực hiện có trong TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

“Bài toán” gỗ hợp pháp

Theo nhận định, so với 10 nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất, Việt Nam là nước có ưu thế về sản xuất, tiềm năng và cơ hội của ngành gỗ còn nhiều. Nếu có chính sách ưu tiên phát triển, ngành nội thất gỗ Việt Nam không những sẽ góp phần tích cực hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tận dụng có hiệu quả các cơ hội do các FTA mang lại, mà còn có thể nâng thị phần xuất khẩu hàng năm từ 1,5% tổng mức tiêu thụ toàn cầu (350 tỷ USD) hiện nay lên 5%, tương đương 15 tỷ USD trong vòng 5 - 7 năm tới.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nguồn nguyên liệu là 1 trong 3 “nút thắt” của xuất khẩu đồ gỗ trong năm 2016. Các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp. Bên cạnh TPP thì các DN gỗ chưa nắm vững các thông tin về FTA, AEC... Những điều này khiến ngành gỗ năm 2016 được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2015.

Cần lưu ý, ngày 22/1 vừa qua, Việt Nam và EU đã hoàn tất phiên đàm phán lần thứ 5 Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Trong đó nhấn mạnh sẽ đảm bảo tất cả gỗ, sản phẩm gỗ chế biến và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được cung cấp và sản xuất hợp pháp.

EU hiện là thị trường quan trọng thứ 4 của xuất khẩu gỗ Việt (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc). Nếu tính riêng về các sản phẩm gỗ, EU là thị trường quan trọng thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Khi thực hiện FTA Việt Nam - EU, chắc chắn sản phẩm gỗ Việt còn phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sản phẩm.                             

Chuyên đề