Nâng tầm mạng lưới đường thủy phía Nam

(BĐT) - Việc nâng cấp mạng lưới đường thủy khu vực phía Nam đang là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển hậu cần và tăng kết nối, liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả khu vực.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Rót vốn vay nâng tầm đường thủy 

Mới đây, Ban Quản lý các dự án đường thủy thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn (CS-FS) để lập nghiên cứu khả thi Dự án Phát triển các tuyến hành lang đường thủy khu vực phía Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 300 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của WB.

Dự án sẽ giúp nâng cao hiệu quả giao thông đường thủy nội địa và kết nối giữa các tỉnh phía Nam, nhất là nâng cấp mạng lưới đường thủy nội địa khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giúp cải thiện độ sâu chạy tàu và năng suất vận tải hàng hóa thông qua khả năng vận tải của trục chính Cần Thơ - TP.HCM cũng như kết nối đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Mục tiêu của Dự án cũng nhằm giảm chi phí cho các chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bằng container tại các vùng với nhau. Công ty Sgis International (Pháp) đã được chọn là nhà tư vấn chính tiến hành khảo sát, nghiên cứu để xác định danh mục ưu tiên đầu tư, cũng như chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật sơ bộ và hồ sơ mời thầu thiết kế kỹ thuật.

Theo Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, mạng lưới giao thông thủy nội địa phía Nam (hình thành trên cơ sở các tuyến sông tự nhiên thuộc hệ thống sông Đồng Nai, Cửu Long) hiện có 13.000 km sử dụng cho vận tải, trong đó có khoảng 7.000 km đã được đưa vào cấp quản lý. Riêng khu vực ĐBSCL có tổng trọng tải tàu hàng khoảng 5 triệu tấn, vận chuyển hành khách đạt trên 115 triệu hành khách (chiếm 80% so với cả nước), còn khối lượng hàng hoá đường thuỷ đạt khoảng 50 triệu tấn, chiếm khoảng 30% so với cả nước.

Mặc dù vậy, vấn đề logistics và kết nối mạng lưới đường thuỷ cũng như các phương thức vận tải giữa ĐBSCL với mạng lưới đường thuỷ Đông Nam Bộ còn nhiều bất cập, như nhận định của Vụ Vận tải là chưa tận dụng được sự kết nối giữa các phương thức vận tải thủy - bộ. Hệ thống bến, bãi thủy nội địa phía Nam còn nhiều hạn chế về quy mô, thiết bị xếp dỡ. 

Cần quan tâm đầu tư

Được biết, riêng tại ĐBSCL có 5 dự án thuộc lĩnh vực thủy nội địa kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 2.314 tỷ đồng, bao gồm: Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2; Cải tạo, nâng cấp tuyến luồng cửa Cổ Chiên; Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; Đầu tư nâng cấp cảng Tắc Cậu, cảng Sa Đéc.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ngoài việc nạo vét, duy tu các tuyến sông để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa thì các dự án nâng cấp các tuyến đường thủy chính, như ở ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư. Hiện nay cũng đã hoàn thành nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam từ TP.HCM đi Cà Mau và TP.HCM đi Kiên Lương, chiều dài cải tạo là 652 km. Ngoài ra, cũng đang triển khai các dự án nâng cấp đường thủy nội địa sử dụng vốn vay WB để nâng cấp các tuyến Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên và TP.HCM - Chợ Gạo - Đại Ngải - Bạc Liêu - Giá Rai ở phía Nam.

Như vậy, sau khi triển khai các dự án này, vùng ĐBSCL sẽ có 1.082km đường thủy chính được cải tạo, nâng cấp đạt cấp II - III kỹ thuật, về cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải thủy nội địa của vùng.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, mục tiêu trong 5 năm tới là cần hoàn thành nâng cấp các tuyến nối ĐBSCL với TP.HCM, các tuyến sông Tiền, sông Hậu. Đảm bảo chạy tàu 24/24 các tuyến đường thủy nội địa quan trọng. Đồng thời, cần nâng cấp, xây dựng một số cảng chính, bến hàng hoá và hành khách; phát triển vận tải sông pha biển.                 

Chuyên đề