Nan giải đầu tư phát triển hạ tầng TP.HCM

(BĐT) - Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho TP.HCM trong 5 năm tới đang đối mặt với nhiều thách thức như áp lực tốc độ đô thị hoá, thiếu liên kết vùng và thiếu vốn đầu tư.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng của TP.HCM là 203.117 tỷ đồng  Ảnh: Tất Tiên
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng của TP.HCM là 203.117 tỷ đồng Ảnh: Tất Tiên

Áp lực ùn tắc giao thông, ngập úng

PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định rằng, kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM tuy được cải thiện nhưng không thể theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông, nhất là xe gắn máy.

Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, TP.HCM có gần 39.000 con đường với chiều dài khoảng 3.600 km. Tuy nhiên, 70% trong số đó có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 7 m. Mật độ đường giao thông so với diện tích Thành phố chỉ đạt khoảng 1,8 km/km2. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là có tới hơn 4.300 nút giao thông, trong đó chỉ có 16 nút là khác mức (có cầu vượt), còn lại là đồng mức. Đây là nguyên nhân hàng đầu làm cản trở giao thông và tiềm ẩn những vụ ùn tắc giao thông nóng.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, sự tăng trưởng đô thị đang gây áp lực lớn cho hệ thống giao thông tại TP.HCM. Trong đó, ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải vì tỷ lệ cơ giới hoá nhanh, diện tích đất dành cho giao thông quá thấp. Trong khi đó, tốc độ đầu tư xây dựng công trình giao thông chậm, việc thi công kéo dài. Còn người dân chủ yếu vẫn sử dụng phương tiện cá nhân.

Thời gian tới, TP. HCM sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; xây dựng một số đầu mối trung chuyển xe buýt tại bến xe Chợ Lớn, công viên Đầm Sen, bến xe An Sương, công viên 23/9; xây mới một số bãi xe ngầm; hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến Quốc lộ 1; xây dựng các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và hoàn thành đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ thêm, thiếu liên kết vùng là một thách thức lớn của TP.HCM. Nhất là thiếu liên kết về giao thông như tổ chức phân vùng giao thông, chia sẻ mật độ, lưu lượng từ vành đai ngoài, từ các đầu mối giao thông. Giao thông công cộng mang tính liên vùng hiệu quả thấp. Ngoài ra, còn thiếu sự phối hợp trong giải quyết thoát nước, chống ngập đô thị và giải quyết ô nhiễm nguồn nước. 

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Thành phố và tăng liên kết vùng, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị (trong đó có giao thông công cộng) là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, việc đầu tư hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, thiếu biện pháp đầu tư hợp lý và cơ chế quản lý chưa thích hợp đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn chế.

Được biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; xây dựng một số đầu mối trung chuyển xe buýt tại bến xe Chợ Lớn, công viên Đầm Sen, bến xe An Sương, công viên 23/9...; xây mới một số bãi xe ngầm. Ngoài ra, TP.HCM sẽ hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến Quốc lộ 1; xây dựng các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và hoàn thành đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM.

Về thoát nước và chống ngập, TP.HCM sẽ tập trung hoàn thành các dự án liên quan đến công trình thoát nước, chống ngập, giải quyết ô nhiễm môi trường tại các khu vực trung tâm. Thành phố sẽ triển khai thực hiện Dự án “Quản lý rủi ro ngập nước TP.HCM” vay vốn Ngân hàng Thế giới tại các quận, huyện của Thành phố, gồm: quận 8, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè.

Cần đa dạng nguồn vốn

Riêng về giao thông công cộng, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, để bảo đảm nguồn lực đầu tư, Thành phố cần ưu tiên vốn đầu tư xây dựng, phát triển bến bãi, điểm trung chuyển xe buýt đã được phê duyệt theo quy hoạch nhằm tạo tiền đề phát triển vận tải hành khách công cộng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cần tăng cường khả năng nguồn thu tài chính, như tăng thuế sử dụng đất, thuế kinh doanh - thương mại - dịch vụ của những khu vực được hưởng lợi từ việc phát triển giao thông công cộng.

Thực tế cho thấy, để thu xếp vốn nhằm đầu tư phát triển hạ tầng TP.HCM, trong đó có giao thông và giải quyết các vấn đề tồn tại của phát triển đô thị thì không phải chuyện đơn giản.

Tại một hội nghị do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng của TP.HCM là 203.117 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu dành cho hai chương trình chống ùn tắc giao thông và chương trình giảm ngập nước.

Tuy vậy, theo ông Phạm Phú Quốc, TP.HCM chỉ có thể sắp xếp được khoảng 123.219 tỷ đồng (gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn vay thương mại) và hơn 37.000 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp 54 doanh nghiệp nhà nước. Phần vốn còn thiếu để thực hiện là hơn 42.800 tỷ đồng, dự kiến HFIC sẽ huy động từ nhiều nguồn khác nhau như đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phát hành trái phiếu và vay từ các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, trong chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, UBND TP.HCM cần chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng cùng các bộ, ngành liên quan vận dụng các cơ chế, chính sách và các hình thức huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức. Còn ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thì cho rằng, TP.HCM cần có một định chế tài chính địa phương làm đầu mối huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Chuyên đề