Môi trường kinh doanh nhìn từ chuyện vé máy bay

(BĐT) - Câu chuyện áp giá sàn/trần đối với vé máy bay đang gây xôn xao dư luận bởi có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.
Câu chuyện áp giá sàn vé máy bay đang khiến dư luận xôn xao. Ảnh: Lê Tiên
Câu chuyện áp giá sàn vé máy bay đang khiến dư luận xôn xao. Ảnh: Lê Tiên

Hai hãng hàng không đề xuất áp giá sàn

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc áp giá sàn vé máy bay mới chỉ là đề xuất, Bộ đang xem xét và chưa có ý kiến gì về việc này. Phía lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng xác nhận, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay không phải là chủ trương của Cục. Đây chỉ là kiến nghị của một hãng hàng không.

Hãng hàng không đưa ra đề xuất này chính là Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA). Được biết, hôm 17/3, Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế Quyết định số 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014.

Góp ý cho Dự thảo này, JPA đã có văn bản trả lời, theo đó, bên cạnh mức giá trần như hiện tại, cần phải có thêm mức giá sàn để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ, trong khi bản thân JPA cũng là một hãng hàng không giá rẻ. Theo đề xuất của JPA, giá sàn cho năm nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% so với giá trần.

Lý do JPA đưa ra là trong giai đoạn 2014 - 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa đã tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé, có khi bán thấp hơn giá thành và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, sự phát triển bền vững của các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung.

Theo tìm hiểu, không chỉ  JPA muốn thực hiện việc áp giá sàn vé máy bay mà còn có cả Vietnam Airlines (VNA). Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet Air phản bác đề xuất này. 

Vietnam Airlines muốn giá sàn là 1.540.000 đồng/vé?

Trong văn bản mới gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, nếu thực hiện tăng giá vé 5% so với hiện tại và thực hiện áp giá sàn thì ước tính doanh thu của VNA tăng khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện. Hãng hàng không quốc gia cũng cho rằng, cần phải điều chỉnh tăng giá trần cùng với việc áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay. Theo VNA, nếu xét theo mặt cắt so sánh giá vé, việc điều chỉnh tăng trần là phù hợp với xu thế chung của ngành và việc áp dụng mức sàn sẽ là phù hợp nếu cao hơn khoảng 30% so với mức giá trần. Theo VNA đề xuất, giá trần sẽ là 4.200.000 đồng/vé.

Còn giá sàn VNA đưa ra được xây dựng dựa trên cơ sở chi phí biến đổi + chi phí thiết bị bay. Theo tính toán của VNA, tổng hai loại chi phí này cho một chuyến bay dao động từ 243 - 647 triệu đồng (tương ứng khoảng cách 1.000 đến hơn 1.280 km). Theo đó, mức giá sàn đơn vị này kiến nghị là 1.540.000 đồng/vé.

Bình luận về vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không cho rằng, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá, cả giá trần hay giá sàn trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thế giới và cũng không phù hợp với Việt Nam. “Mỹ đã tự do hoá giá vé máy bay từ năm 1978. Từ đó đến nay, giá vé máy bay nội địa Mỹ do các hãng tự quyết định theo quy luật cung cầu và cạnh tranh”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các doanh nghiệp. Cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, cạnh tranh, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan nhà nước.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc quy định giá sàn là hoàn toàn phi kinh tế thị trường, phi thể chế, không phù hợp với cơ chế thị trường, không đúng với Luật Giá đã được quy định. Ông Long nhấn mạnh, đây cũng là lý do vì sao từ trước đến nay cơ quan quản lý nhà nước không quản lý giá sàn đối với hàng không.

Chuyên đề