Mở cửa thị trường mua sắm công

(BĐT) - Trên nguyên tắc “có qua, có lại”, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra nhiều cánh cửa mới cho cả hai bên, đặc biệt là thị trường mua sắm chính phủ.
EVFTA sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế trong thương mại hàng hóa Việt Nam – EU. Ảnh: Lê Tiên
EVFTA sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế trong thương mại hàng hóa Việt Nam – EU. Ảnh: Lê Tiên

Xu hướng tất yếu

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nước ngoài, quan tâm nhất tại hội thảo trong khuôn khổ liên quan đến chủ đề EVFTA diễn ra ngày 1/6/2016 ở TP.HCM, đó là lĩnh vực mua sắm chính phủ. Một luật sư đến từ Mỹ cho biết, so sánh giữa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và EVFTA cho thấy, TPP có cái tốt hơn và ngược lại EVFTA cũng có những mặt tốt hơn. Riêng những quy định trong nội dung mua sắm chính phủ mà Việt Nam cam kết áp dụng đối với EU có phần thông thoáng hơn so với TPP.

Tuy nhiên, theo ông Mauro Petriccione, Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU, thực ra TPP và EVFTA có sự tương thích với nhau, còn những khác biệt giữa TPP và EVFTA thì bổ sung cho nhau, chứ không mâu thuẫn nhau. “Mua sắm chính phủ cũng vậy, tuy nhiên trên cơ sở có đi có lại. Theo đó, Việt Nam đã mở thêm lĩnh vực mua sắm chính phủ rộng ở phần các địa phương cho các nhà thầu EU” - ông Mauro Petriccione giải thích.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, tính đến thời điểm hiện nay, việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ đối với Việt Nam là hoàn toàn mới và có tính đột phá cao, bởi chỉ mới xuất hiện ở TPP và EVFTA. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ xét trên bình diện quốc tế là xu hướng tất yếu, vì vấn đề này sẽ gắn liền với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

“Trong Chương Mua sắm chính phủ, Việt Nam và EU đã thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của WTO được ký kết từ những năm 1994. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập Cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu..., Việt Nam có lộ trình để thực hiện. Ở chiều ngược lại, EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. Đặc biệt, Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước” - ông Khánh cho biết.

Nâng cao chất lượng hàng hóa

Nguyên tắc cơ bản nhất của mua sắm chính phủ mà Việt Nam cam kết đối với EVFTA và TPP là đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; không được ưu đãi hàng hóa hay dịch vụ của nhà thầu nội. Thông qua áp lực cạnh tranh cao, chắc chắn chất lượng hàng hóa sẽ tốt hơn nhiều. Với hàng hóa của 28 nước thành viên trong EU và 11 nước còn lại trong TPP, tính hiệu quả, tiết kiệm, chuyên nghiệp sẽ không ngừng nâng lên.
Ông Mauro Petriccione cho rằng, quy trình cải tiến của Việt Nam luôn có tính logic về chính trị và kinh tế. Tất cả mọi quốc gia đều gặp những khó khăn tương tự khi đàm phán một FTA. Quy trình của EU rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Vấn đề là chúng ta phải vượt qua những rào cản đó như thế nào để ngồi lại với nhau. Có một sự tương quan giữa các chủ đề mà các quốc gia đang thảo luận, đó là mỗi quốc gia cần thiết phải hướng đến sự thay đổi về mặt pháp luật để phù hợp với xu hướng chung của luật pháp quốc tế.

Điểm nhấn của EVFTA là xóa bỏ tới hơn 99% dòng thuế trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước EU. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ...

Liên quan đến quá trình đàm phán TPP và EVFTA, một điều đáng quan tâm được ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ là các thành viên đoàn đàm phán  TPP và EVFTA đã làm hết sức mình để không có sự mâu thuẫn nào xảy ra giữa hai hiệp định này.

Cũng theo ông Khánh, với EVFTA, Việt Nam đã có được những cam kết mở hơn với EU trong mua sắm chính phủ. Cụ thể, đối với chủ thể mua sắm, ngoài cơ quan mua sắm cấp trung ương, ngay từ khi EVFTA có hiệu lực, đối với mua sắm cấp địa phương, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường Hà Nội và TP.HCM cho EU tham gia. Riêng TPP, trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam và một số nước sẽ đàm phán mở cửa cấp địa phương.

Nguyên tắc cơ bản nhất của mua sắm chính phủ mà Việt Nam cam kết đối với EVFTA và TPP là đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; không được ưu đãi hàng hóa hay dịch vụ của nhà thầu nội. Thông qua áp lực cạnh tranh cao, chắc chắn chất lượng hàng hóa sẽ tốt hơn nhiều. Với hàng hóa của 28 nước thành viên trong EU và 11 nước còn lại trong TPP, tính hiệu quả, tiết kiệm, chuyên nghiệp sẽ không ngừng nâng lên. Điều này đang được Việt Nam rất kỳ vọng.

Chuyên đề