Minh bạch để nâng chất lượng cổ phần hóa

(BĐT) - Hiện số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa đạt trên 96%, song phần vốn nhà nước bán ra lại rất thấp, chỉ đạt 8%. Để công tác cổ phần hóa DNNN thực chất hơn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải quyết liệt cổ phần hóa, đặc biệt là buộc DN phải lên sàn sau khi cổ phần hóa.
Lên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hóa là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Lên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hóa là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Mới chỉ đạt về số lượng

Trong Cuộc họp báo Chính phủ tháng 1/2017 vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chủ trương cổ phần hóa DNNN năm nay khác với mọi năm ở chỗ tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải quyết liệt cổ phần hóa. Sau khi DN cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán để công khai minh bạch hoạt động của DN, đây là yêu cầu bắt buộc.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN, trong đó cổ phần hóa được 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch). Ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cũng lo lắng, tuy đã giảm mạnh về số lượng, nhưng DNNN và DN do Nhà nước giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn còn ở không ít ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, làm cho DNNN chưa tập trung tối đa vào những lĩnh vực cần thiết.

Tỷ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp, làm hạn chế đáng kể đến kết quả thực hiện các mục tiêu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Vẫn còn tới 40% DNNN không bán hết được cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Sau khi IPO, tính bình quân Nhà nước nắm giữ 81% vốn điều lệ tại DN, nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%; nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%; người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.

Dữ liệu của Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ, việc sắp xếp, đổi mới DNNN ở nhiều bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa đạt kế hoạch được phê duyệt. Còn một số DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, giao dịch theo quy định.

Thừa nhận hạn chế nêu trên, trong một chia sẻ mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho rằng, cổ phần hóa DNNN hiện mới đạt về số lượng, chứ chất lượng chưa cao. 

Tập trung nâng cao chất lượng

Một trong những giải pháp cải thiện về chất trong công tác cổ phần hóa DNNN trong năm 2017, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là công khai, minh bạch công tác này. “Nếu DN cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, DNNN”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối ở những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những DN thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Còn lại những DN không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư. “Qua đó, các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác sẽ được phân bổ theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ DN tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho biết, trong năm 2017 sẽ tập trung giải quyết bất cập trong nâng cao chất lượng cổ phần hóa và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị DN và giá khởi điểm cổ phần hóa; quản lý sử dụng đất đai của DNNN, DN cổ phần hóa chưa chặt chẽ... Cụ thể là nghiên cứu quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; quy định về thuê tư vấn quốc tế cổ phần hóa; thuê tư vấn và thực hiện việc bán cổ phần nhà nước tại DN trên thị trường quốc tế; quy định về việc xử lý đất đai đối với DN quản lý nhiều đất đai, đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó nhấn mạnh, cổ phần hóa DNNN là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của mỗi cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên đề