Luôn đồng hành cùng Việt Nam

(BĐT) - Trải qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), từ một quốc gia đói nghèo, Việt Nam đã vươn lên đứng trong hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Để có được thành quả này, phải kể đến những đóng góp của các tổ chức quốc tế đã và đang hoạt động tại Việt Nam.

Giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam đón nhiều cơ hội cũng như đối mặt với thách thức trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Luôn đồng hành cùng công cuộc đổi mới của đất nước ta, các nhà tài trợ quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ và đưa ra những khuyến nghị giúp kinh tế Việt Nam “cất cánh”.

Luôn đồng hành cùng Việt Nam ảnh 1
Hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

- Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam

Việt Nam đã xây dựng được nền móng vững chắc để tiếp tục phát triển thành công. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thực tế rằng việc triển khai các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ đòi hỏi những nỗ lực rất lớn trong cải thiện khuôn khổ pháp lý, tính minh bạch và gỡ bỏ các biện pháp bảo hộ. Nhìn từ góc độ hậu cần kho vận, thương mại gia tăng sẽ đặt ra nhu cầu về các dự án hạ tầng mới theo cơ chế đối tác công tư và các trung tâm vận tải quốc tế và khu vực khi quan hệ hai bên được tăng cường.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đồng hành hỗ trợ bằng mọi phương tiện có thể. Do đó, chúng tôi mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam cũng như tất cả các doanh nghiệp thành viên và đối tác Việt Nam, châu Âu để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. 

Luôn đồng hành cùng Việt Nam ảnh 2

Đồng hành với Việt Nam trong chặng đường sắp tới

- Ông Rémi Genevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là cơ quan phát triển duy nhất cấp các khoản vay hỗ trợ phát triển trực tiếp cho các doanh nghiệp nhà nước mà không cần có bảo lãnh tài chính của Chính phủ Việt Nam. Đây là một đòn bẩy hỗ trợ của AFD cho các doanh nghiệp nhà nước tự chủ hơn và hạn chế tình trạng gia tăng nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á, AFD thực hiện chương trình Dự án Hỗ trợ đối tác công tư; AFD cũng hỗ trợ những nỗ lực phát triển các quan hệ đối tác công tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

AFD mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tăng trưởng xanh, theo hướng mô hình phát triển bền vững. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên hai phương diện (giảm phát thải khí ga gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu) sẽ là trọng tâm trong chiến lược hoạt động của AFD tại Việt Nam trong những năm tới.

AFD cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong chặng đường phát triển sắp tới. 

Luôn đồng hành cùng Việt Nam ảnh 3
Xây dựng chiến lược hỗ trợ các mục tiêu dài hạn của Việt Nam

- Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Thành công trong quá khứ của Việt Nam đã tạo tiền đề cho những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức về giảm nghèo hơn nữa, sự thịnh vượng chung và tính bền vững. So với những năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chững lại, cho thấy những hạn chế của một mô hình tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào tăng trưởng của đầu tư vốn và lực lượng lao động hơn là năng suất. Đồng thời, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang bị đe dọa bởi ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy thoái nhanh chóng của tài nguyên. Cuối cùng, chính quyền và các tổ chức của Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục phát triển để đáp ứng nguyện vọng của một nền kinh tế có thu nhập trung lưu mới nổi và cung cấp về sự phát triển, hòa nhập và phát triển bền vững các mục tiêu.

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đang thiết kế chiến lược trong giai đoạn tới nhằm hỗ trợ các mục tiêu dài hạn của Việt Nam. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ tham vấn Chính phủ Việt Nam về những hỗ trợ từ phía WB, sau đó chọn những trụ cột chính trong hỗ trợ, với việc xem xét các lợi thế so sánh của Ngân hàng. 

Luôn đồng hành cùng Việt Nam ảnh 4
Tập trung hỗ trợ cho các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

- Ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản

Theo tôi, trong thời gian tới, bên cạnh những lợi thế còn có những thách thức phải vượt qua, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt FTA. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam nên thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh thông qua tái cấu trúc các lĩnh vực chủ chốt, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và hệ thống kho vận một cách hoàn thiện, trong đó có tận dụng hiệu quả hệ thống cảng biển quanh TP.HCM. Năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn khi Chính phủ tập trung hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc phát triển các cơ chế tín dụng phù hợp dành cho người nông dân và/hoặc các doanh nghiệp nông nghiệp có kế hoạch kinh doanh cụ thể và khả thi cũng rất quan trọng để hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp vì đây là yếu tố then chốt giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện các quy định để hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả các dự án ODA. Về các dự án hợp tác kỹ thuật, việc phân bổ đầy đủ các nguồn lực như nhân sự, cơ sở vật chất và ngân sách chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong quá trình thực hiện dự án ODA và đặc biệt là sau khi kết thúc quá trình hợp tác. Nguồn lực của Việt Nam sẽ hỗ trợ tính bền vững và mở rộng thành quả của dự án.

Luôn đồng hành cùng Việt Nam ảnh 5
Đáp ứng nhu cầu phát triển ngày một tăng của Việt Nam

- Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối diện với các thách thức chủ yếu trong nước liên quan đến việc bảo đảm tiếp tục cải thiện năng lực sản xuất và sáng tạo để các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Để đạt được điều này, Chính phủ cần phải tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách cơ cấu quan trọng, hướng tới việc giảm tỷ trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng như khôi phục lòng tin và tính trách nhiệm giải trình của khu vực tài chính - ngân hàng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như các đối tác phát triển khác kỳ vọng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 tới đây sẽ thể hiện quyết tâm cao hơn nữa của Chính phủ trong việc áp dụng toàn diện hơn các cơ chế thị trường và tiếp tục đẩy mạnh các cải cách kinh tế. ADB đang trong quá trình chuẩn bị cho Chiến lược Đối tác quốc gia mới cho Việt Nam. Chúng tôi luôn cam kết điều chỉnh Chiến lược Đối tác quốc gia mới hoàn toàn phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, ADB có thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngày một tăng của Việt Nam.

Chuyên đề