Luật Quy hoạch và những kỳ vọng thay đổi

(BĐT) - Các bộ, ngành, địa phương đang chi ra một nguồn lực khổng lồ dành cho quy hoạch, song kết quả mà những quy hoạch đạt được lại chưa tương xứng với nguồn lực. Do đó, việc thay đổi phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch là một đòi hỏi thực tiễn khách quan.
Thị trường xi măng đang thừa nguồn cung do quy hoạch không chính xác. Ảnh: Ngọc Kỳ
Thị trường xi măng đang thừa nguồn cung do quy hoạch không chính xác. Ảnh: Ngọc Kỳ

Tốn kém mà không hiệu quả

Theo PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh, trong những năm qua, việc lập, thẩm định và phê duyệt các loại quy hoạch được triển khai với một khối lượng cực lớn, với chi phí khá tốn kém cho ngân sách nhà nước. Tính trong 5 năm (2010 - 2015), Việt Nam đã có tới 19.285 quy hoạch với ước tính tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. “Tính riêng tại tỉnh Quảng Ninh, có trên 200 quy hoạch được lập trên địa bàn từ năm 2001 đến nay, ước tính chi phí trên 500 tỷ đồng”, ông Trần Trọng Hanh thông tin.

Theo đại diện Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự lãng phí nguồn lực nhà nước trong quy hoạch còn thể hiện ở chỗ khả năng dự báo của các quy hoạch rất kém, phải điều chỉnh nhiều lần. Đơn cử, theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, nhu cầu xi măng đến năm 2010 là 46,8 triệu tấn/năm với 66 dây chuyền xi măng. Tuy nhiên, đến năm 2010 cả nước đã có 108 dây chuyền đang hoạt động, đạt công suất thiết kế 65 triệu tấn/năm. Điều này dẫn đến nguồn cung xi măng năm 2010 đã phát triển vượt cầu 3 triệu tấn và năm 2011 đã dư thừa 7 triệu tấn xi măng.

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng quy hoạch yếu một phần do kinh phí hạn hẹp hoặc tác động của khách quan về nguồn lực, nhưng về chủ quan là do năng lực tư vấn yếu, năng lực thẩm định hạn chế, nội dung, phương pháp quy hoạch thiếu cơ sở khoa học… Cùng với đó, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa được xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.

Chất lượng quy hoạch yếu một phần do kinh phí hạn hẹp hoặc tác động của khách quan về nguồn lực, nhưng về chủ quan là do năng lực tư vấn yếu, năng lực thẩm định hạn chế, nội dung, phương pháp quy hoạch thiếu cơ sở khoa học…
Không chỉ vậy, thực tiễn triển khai cho thấy, nhiều quy định về công bố, công khai, cắm mốc ngoài thực địa, cung cấp thông tin về quy hoạch đã thực hiện không đúng quy định về thời gian, còn nặng về hình thức. Cùng với đó, việc phân cấp quản lý quy hoạch không rõ ràng, thiếu đầu mối quản lý thống nhất dẫn đến sự chồng chéo, xung đột giữa các loại quy hoạch trong quá trình thực hiện.

Thay đổi phương thức quản lý quy hoạch

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc thay đổi phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch là một đòi hỏi thực tiễn khách quan và Dự thảo Luật Quy hoạch được kỳ vọng sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng để quản lý các loại quy hoạch, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên.

Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, khung pháp lý về quy hoạch vừa phải bảo đảm đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch, vừa tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả; là đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Còn theo ông Trần Trọng Hanh, việc kế thừa và hoàn thiện hệ thống quy hoạch hiện nay cũng là một trong các phương án sắp xếp lại hệ thống quy hoạch ở Việt Nam. Theo ông Hanh, có thể cơ bản giữ nguyên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quy hoạch hiện có; đồng thời xây dựng bổ sung Luật Quy hoạch phát triển trên cơ sở duy trì và nâng cao Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, ông Trần Trọng Hanh đề xuất thêm 2 phương án sắp xếp lại hệ thống quy hoạch. Đó là phương án điều chỉnh hợp lý hệ thống quy hoạch hiện nay và phương án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp, liên ngành. “Phương án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp, liên ngành là phương án đạt được nhiều yêu cầu và nguyên tắc cải cách hệ thống quy hoạch ở Việt Nam”- ông Hanh nhấn mạnh.

Chuyên đề