Lối thoát cho công trình chậm tiến độ

(BĐT) - Theo ý kiến của một số chuyên gia và nhà thầu, do việc giải ngân vốn chậm, nhà thầu không có tiền ứng ra để thi công nên nhiều công trình phải “dậm chân tại chỗ” chờ vốn. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Động thái này được xem là một trong những lối thoát cho các công trình chậm tiến độ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chậm giải ngân, công trình bị “bỏ đói”

Thực tế cho thấy, nếu như số công trình đúng, vượt tiến độ chỉ đếm trên đầu ngón tay thì số công trình chậm tiến độ nhiều không kể xiết. Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội, từ dự án lớn đến dự án bé, công trình chậm tiến độ nhan nhản… Những dự án chậm tiến độ “kinh điển” ở Hà Nội mà ai cũng nhìn thấy là Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Dự án Đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông… 

Một trong những nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do chậm cung cấp vốn. Một chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, thực tế là nhiều công trình hiện nay đang bị “bỏ đói” do chậm giải ngân vốn, nhà thầu ì ạch thi công, vi phạm nghiêm trọng tiến độ thực hiện theo hợp đồng nhưng chủ đầu tư không làm gì được vì bản thân chủ đầu tư cũng không “cấp vốn” cho nhà thầu như đã “hứa” trong hợp đồng. Vì thế, câu chuyện chậm tiến độ, vi phạm tiến độ theo hợp đồng bị “hòa cả làng”, chẳng ai phạt được ai cả.

Nghị quyết số 60/NQ-CP mới đây của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2014 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và chỉ tiêu kế hoạch 6,7% của cả năm 2016, trong đó có nguyên nhân tiến độ triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư, xây dựng còn phức tạp; văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định về đầu tư còn bất cập, công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng các dự án chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt và còn nhiều bất cập; hồ sơ thanh toán vốn đầu tư rườm rà, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 30% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 36 cho biết: “Hành trình” để được cấp vốn khi thực hiện các công trình sử dụng vốn ngân sách hiện nay vẫn còn dài và qua nhiều công đoạn, nhiều bước. Việc giảm bớt được những thủ tục quyết toán không quan trọng, không cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân chắc chắn sẽ rút ngắn được thời gian thi công công trình. Nếu không được giải ngân kịp thời, kịp tiến độ thi công thì nhà thầu sẽ gặp nhiều khó khăn vì dường như không thể mua bán chịu nguyên, vật liệu, máy móc thi công… trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, việc công trình chậm tiến độ, kéo dài thi công sẽ gây ra sự lãng phí lớn trong đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Tăng cường giải ngân – động lực đẩy nhanh tiến độ

Tại Nghị quyết số 60/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn về kiểm toán chi và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ theo hướng đơn giản hóa các thủ tục. Bộ Xây dựng được giao tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; rà soát, kịp thời giải quyết các rào cản, khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án…
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho rằng, có 2 yếu tố mấu chốt để đẩy nhanh tiến độ công trình là năng lực nhà thầu và tiền (vốn). Nếu được cấp tiền đầy đủ thì không dại gì mà nhà thầu không đẩy nhanh tiến độ thực hiện vì khi rút ngắn thời gian thi công, bản thân nhà thầu sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí như: nhân công (giám sát, quản lý dự án…), hao mòn máy móc, thiết bị, lãi vay ngân hàng…

Một nhà thầu ở Hà Nội lấy ví dụ, một công trình đầu tư công khoảng 100 tỷ đồng, nếu làm nhanh, có thể chỉ mất 95 - 97 tỷ đồng nhưng nếu “dây dưa” thì có thể làm phát sinh nhiều chi phí, tổng mức đầu tư có thể lên đến 120 tỷ đồng. Vì vậy, đối với các công trình đầu tư công, nếu Nhà nước không quyết liệt, mà giải ngân theo kiểu “nhỏ giọt” để thời gian thực hiện dự án bị kéo dài thì kết quả đầu tư sẽ rơi vào tình trạng lãng phí và không hiệu quả.

Khi được thông tin về chủ trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Chính phủ, rất nhiều nhà thầu bày tỏ vui mừng và kỳ vọng những tín hiệu lạc quan, tích cực từ chủ trương này của Chính phủ. Các nhà thầu cho rằng, trong bối cảnh vốn đầu tư công có hạn, những công trình được lựa chọn đầu tư là rất cần thiết và có sự chắt lọc. Nếu khâu giải ngân vốn bị chậm, vốn không được “rót” kịp thời thì công trình khó mà đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả đầu tư công sẽ không cao. Vì thế, chủ trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ sẽ là động lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công hiện nay, khi có “tiền tươi thóc thật” nhà thầu sẽ không có cớ, không có lý do gì để làm chậm tiến độ công trình.

Chuyên đề