Lời giải bài toán đầu tư công

(BĐT) - Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã có sự tính toán phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 5 năm; gắn với chiến lược nợ công, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương... 
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 được kỳ vọng khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 được kỳ vọng khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên

Đồng thời, khắc phục tình trạng dàn trải, cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vừa diễn ra.  

Nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư công

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011 - 2015, đã góp phần thực hiện đột phá về xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Đại biểu Tống Thanh Bình, đoàn Lai Châu nhận xét, việc ban hành Luật Đầu tư công đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công. Về cơ bản, vốn đầu tư được bố trí tập trung ưu tiên cho các dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, hạn chế dự án khởi công mới.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, đại biểu Y Khút Niê, đoàn Đắk Lắk dẫn lại những con số trong báo cáo của Chính phủ như là những minh chứng. Đó là số dự án hoàn thành giai đoạn 2011 - 2015 tăng nhanh, nhất là dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và trái phiếu chính phủ, số lượng dự án khởi công mới từ vốn ngân sách trung ương giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Đặc biệt, mức vốn bố trí bình quân cho một dự án tăng, từ 9,54 tỷ đồng năm 2012 lên 14,2 tỷ đồng năm 2015 (tăng 85%). Đến hết kế hoạch năm 2016, nợ đọng xây dựng cơ bản chưa bố trí nguồn thanh toán từ ngân sách trung ương và vốn trái phiếu chính phủ giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. “Tôi cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác quản lý, điều hành nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ vào đầu tư công thời gian qua”, đại biểu Y Khút Niê nhận định. 

Kỳ vọng vào kế hoạch trung hạn

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện đầu tư công giai đoạn vừa qua, đó là đầu tư còn dàn trải, phân tán, một số dự án hiệu quả còn thấp. Nhiều công trình, dự án chậm tiến độ đã gây thất thoát nguồn tài chính quốc gia, nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn xảy ra nhiều, kéo dài, chưa xử lý triệt để…

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lập kế hoạch trung hạn cho cả giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là một lời giải hiệu quả, đột phá cho bài toán về đầu tư công thời gian qua.

Đa số các ý kiến thảo luận thống nhất với dự thảo của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhất trí cao với mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn được Chính phủ đưa ra. Đồng thời, chia sẻ với Chính phủ trong điều kiện khó khăn về vốn nhưng phải cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các địa phương theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. 

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lập kế hoạch trung hạn cho cả giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là một lời giải hiệu quả, đột phá cho bài toán về đầu tư công thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang, nhận định, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thực hiện theo tinh thần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, công khai, minh bạch. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giúp các cơ quan, các địa phương chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin - cho và chồng chéo giữa các nguồn lực đầu tư cho xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh, đánh giá, kế hoạch đầu tư trung hạn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch này, cộng với sự đồng bộ từ các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu sẽ góp phần khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Đặc biệt là từng bước thay đổi được tư duy đầu tư theo nhiệm kỳ.

Đại biểu Y Khút Niê đồng tình cao với nguyên tắc tăng cường phân cấp nhằm tăng quyền chủ động, tự chủ cho các cấp, các ngành; Trung ương chỉ quy định nguyên tắc tiêu chí phân bổ và thông báo tổng số vốn cho địa phương một cách công khai, minh bạch. Các bộ, ngành và địa phương có toàn quyền lựa chọn danh mục dự án, dự kiến bố trí vốn cho từng dự án phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu phát triển của ngành, địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Y Khút Niê cũng lưu ý, đi đôi với phân cấp, phải tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu của một ngành, một địa phương khi sử dụng vốn đầu tư công lãng phí, kém hiệu quả.

Một số đại biểu góp ý về cơ cấu phân bổ vốn, phân bổ cho lĩnh vực giao thông vận tải khá cao so với các lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp, giáo dục. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang, cho rằng, kế hoạch đầu tư trung hạn cần quan tâm lợi thế nông nghiệp của nước ta, với khả năng sản xuất và cung ứng quy mô lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhưng giá trị tuyệt đối thì không ngừng tăng lên. Ý kiến khác đề xuất, phải quan tâm đến dự án có tính liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố.

Chuyên đề