Logisitics: Yếu tố cần và đủ để thúc đẩy ĐBSCL phát triển

Sáng 9/1 tại TP. Cần Thơ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ Logistics vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị.

Ưu tiên vốn cho dự án giao thông kết nối vùng ĐBSCL

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước và nước ngoài.

Cùng với các hội nghị đã diễn ra trong vòng 7 tháng qua nhằm phát triển vùng ĐBSCL trong các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc trong vùng, hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong nhận thức được tầm quan trọng, thực trạng của logistics đối với sự phát triển của vùng.

Vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ logistics và vận tải thủy khi có hệ thống đường thủy nội địa đày đặc (khoảng 14.826 km; có 2 tuyến kết nối với Campuchia và 5 tuyến kết nối với vùng Đông Nam Bộ) và 4 tuyến kết nối nội vùng. Trong đó, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TPHCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu. Tuy nhiên hiện tại có đến 70% lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TPHCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm tăng lên.

Ngoài ra, vận tải hàng không trong vùng (cả hành khách và hàng hóa thời gian qua tăng trưởng mạnh, tương ứng tăng bình quân 16,5% và 18,7%/năm giai đoạn 2011-2015) là cơ hội lớn cho phát triển logistics đường hàng không.

Bộ Công Thương dự báo lượng hàng qua cảng ĐBSCL từ nay đến 2030 là rất lớn, đến 2020 khoảng 25-28 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 11,5 - 14,0 triệu tấn/năm); đến năm 2030 từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 21,7 - 26,2 triệu tấn/năm). Số liệu này cho thấy vùng ĐCSCL có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics để phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng và liên vùng, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, đến nay vùng ĐBSCL chưa có trung tâm logistics được công nhận nằm trong Quy hoạch theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ban hành ngày 3/7/2015. Theo đó, vùng ĐBSCL sẽ có 2 trung tâm logistics, một là vùng Tây Nam TPHCM và tại trung tâm ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc hội nghị nhận định thị trường logistics của vùng mới trong giai đoạn đầu.

Logisitics: Yếu tố cần và đủ để thúc đẩy ĐBSCL phát triển ảnh 1

Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ Logistics vùng ĐBSCL.

Giảm chi phí logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng với phương thức nâng cao chất lượng và hạ giá thành hàng hóa, sản phẩm, các quốc gia đang thực hiện phương thức cạnh tranh mới là đi vào quản trị hàng tồn kho, hợp lý hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng hóa là “đất diễn” cho dịch vụ logisitics.

Phó Thủ tướng cho biết chi phí cho logistics ở các nước phát triển chiếm 10-13% GDP và các nước đang phát triển là 15-25% GDP, nên nếu tiết kiệm tối đa chi phí cho logistics sẽ góp phần rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.

Việc tiết kiệm chi phí logistics càng có ý nghĩa với Việt Nam khi mà chi phí cho logistics hiện đang ở mức 20-25% GDP, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, bằng khoảng 170% GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu đang xấp xỉ mức 400 tỷ USD vào cuối năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,6% (loại trừ yếu tố giá thì trên 10%).

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét toàn diện các vấn đề liên quan tới hệ thống logistics gồm nhiều yếu tố về nhân lực, tài lực, vật lực. Nhà nước phải huy động nguồn lực để phát triển lĩnh vực này cũng như có hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất.

“Đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics là yếu tố cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng nhận định và bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ nâng cao nhận thức lĩnh vực logistics về bản chất, thực trạng và các chính sách thu hút nguồn lực; thu hút được các nguồn lực mới, nhà đầu tư mới trong nước và nước ngoài, các thành phần kinh tế, nhất là các nhà đầu tư chiến lược vào dịch vụ này.

Đến nay, trên địa bàn cả nước hiện có 6 trung tâm logistics đang hoạt động, gồm: Trung tâm logistics Cái Lân - VOSA (Quảng Ninh, 2012), trung tâm logistics Green - Đình Vũ (Hải Phòng, 2012), trung tâm logistics Geodis Wilson Cát Lái (TPHCM, 2012), trung tâm tiếp vận Schenker Germadept (Bình Dương, 2009), trung tâm Logistics Gemadept Sóng Thần (Bình Dương, 2011), trung tâm logistics Damco (Bình Dương, 2011). Ngoài ra, hiện có một số trung tâm logistics đang xây dựng hoặc mới được cấp giấy phép đầu tư.

Với vùng ĐBSCL, cách đây hơn 4 tháng, ngày 22/8/2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ GTVT cũng tổ chức Hội nghị về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vùng ĐBSCL đã thảo luận đưa ra bức tranh thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics.

Sau hội nghị này, Ngân hàng Thế giới đã cam kết gói tài trợ gần 3 triệu USD để phát triển nghiên cứu logistics tại vùng ĐSBCL. Không dừng lại ở đó, Ngân hàng Thế giới cũng có kế hoạch phát triển logistics của vùng ĐBSCL kết nối với khu vực TPHCM nhằm đẩy mạnh thông thương, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics, mỗi năm, vùng ĐBSCL sẽ tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng.

Chuyên đề