Loại bỏ đấu thầu hình thức trong đầu tư công

(BĐT) - Nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng, cho các mục tiêu phát triển đất nước là rất lớn nhưng thực tế việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công cũng như huy động nguồn lực ngoài ngân sách chưa đạt như kỳ vọng. 
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá hơn để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào phát triển hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá hơn để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào phát triển hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, sử dụng hiệu quả hơn vốn đầu tư công và huy động tốt hơn nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước là hai nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ cần lưu tâm, có giải pháp đột phá trong thời gian tới.

Tăng hiệu quả đầu tư công

Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước vấn nạn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Nếu trước đó là 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý thì đến giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu dẫn chứng, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng. Hai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM đều điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gấp hơn 200%, tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng và đều chậm tiến độ.

“Tình trạng điều chỉnh tăng thêm và cứ kéo dài thời gian thế này thì thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần xử lý nghiêm sai phạm, nếu không tới đây Nhà nước giao cho Bộ GTVT quản lý xây dựng sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát rất lớn là điều khó tránh khỏi”, đại biểu Cầu lo ngại.

Chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ và Thủ tướng có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn trong việc phê duyệt dự án, quản lý dự án đầu tư công, tăng cường cơ chế giám sát, trong đó phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân trong các công trình xây dựng trọng điểm có vốn đầu tư cao.

Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) đề nghị cần thực hiện nghiêm xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra vi phạm. Đặc biệt, chấm dứt đấu thầu hình thức, tăng cường đấu thầu qua mạng. Đồng thời, đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị đánh giá lại việc thực hiện công khai minh bạch dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công sau 3 năm thực hiện, làm rõ tại sao một số dự án khi triển khai rồi người dân mới biết...

Nhiều ý kiến cũng lo ngại về thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong sử dụng tài sản công và đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong tất cả các khâu quản lý, sử dụng tài sản công. 

Hoàn thiện chính sách để khơi dòng vốn trong dân

Song song với sử dụng hiệu quả nguồn lực công, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá hơn để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình), Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn vốn của khu vực tư nhân và trong nhân dân, như xây dựng cơ chế đối tác công tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước đặt hàng sử dụng dịch vụ tư, xã hội hóa các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công… Những chính sách này đã bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào kết cấu hạ tầng vẫn còn chứa đựng một số rủi ro lớn, làm nản lòng các nhà đầu tư và cũng gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước.

“Nguồn lực trong nhân dân còn rất lớn và đây là nguồn lực không thể thiếu trong xây dựng và phát triển đất nước. Quốc hội và Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đủ để khơi thông dòng vốn này, phục vụ có hiệu quả cho phát triển đất nước”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, việc phát huy nguồn lực từ đất đai cho đầu tư phát triển, theo đại biểu Ngô Sách Thực, là có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp. Đại biểu Thực cho rằng, việc chỉ đạo dừng thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT là đúng để có thời gian đánh giá lại, xác định được giá đất chênh lệch sau khi hoàn thành hạ tầng, tránh thất thoát. Tuy nhiên, cũng không nên dừng quá dài vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, niềm tin của doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ, có giải pháp tận dụng, phát huy được nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển.

Chuyên đề