Lo ngại môi trường kinh doanh

(BĐT) - Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong năm 2015, trong đó chỉ số môi trường kinh doanh tăng 3 bậc (từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế). Song, trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) vẫn quan ngại về vấn đề này.
Thủ tục nộp thuế vẫn chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tục nộp thuế vẫn chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Vẫn còn nhiều chỉ số thấp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, môi trường kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên và đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao. So với năm 2014, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 12 bậc (từ vị trí 68 lên vị trí 56/144 nền kinh tế; môi trường kinh doanh tăng 3 bậc (từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế), cải thiện ở 5/10 lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức Nghị quyết 19/2015/NQ-CP đề ra, như: Khởi sự kinh doanh; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số; thời gian nộp thuế; thời gian tiếp cận điện năng.

Bàn về năng lực cạnh tranh quốc gia, tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN”, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với các loại hình DN vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp. Khoảng cách giữa chủ trương chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn…”.

Tán thành quan điểm trên, dẫn Báo cáo kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới, PGS. TS. Phạm Thị Hồng Yến, Ban Kinh tế Trung ương cho hay: “Đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam trong tương quan so sánh với 189 nền kinh tế trên thế giới cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện. Mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam chỉ đạt mức điểm trung bình, vẫn còn có lĩnh vực bị đánh giá kém thuận lợi như: nộp thuế (168/189); bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (122/189)… Các chỉ số này so với mức trung bình của ASEAN-6 cũng như 10 nền kinh tế thuận lợi nhất vẫn thấp hơn đáng kể”.

Cải cách để thực hiện hóa các cơ hội

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển DN, thời gian qua, nhiều chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho DN đã được ban hành như: Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập DN; Luật Phá sản, Luật Đầu tư công... Trong giai đoạn phát triển mới (2016 - 2020) được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, then chốt đối với tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ nhất của Việt Nam sau khi ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA..., nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, trong đó có sức cạnh tranh của DN nội địa.

Liên quan đến vấn đề này, tại một diễn đàn về hội nhập diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đặt câu hỏi: “Đến nay, chúng ta vẫn thiếu biện pháp bảo vệ quyền tài sản của DN, phải chăng đây là một trong những lý do khiến DN chưa dám làm ăn lớn?”.

Ở một góc độ khác, bên lề hội thảo nêu trên, ông Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế nhìn nhận: Mặc dù khung pháp lý đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho DN làm ăn, nhưng dường như khi về tới các bộ, ngành, địa phương họ vẫn “đẻ ra tròng” gây khó khăn cho DN, cơ chế xin - cho vẫn còn đất sống.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong chính sách phát triển DN nhỏ và vừa, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Chính sách hỗ trợ còn thiếu tính đồng bộ, hệ thống và có sự xung đột. Một số chính sách còn mang nặng tính khuyến khích và chung chung như hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công...  Vì vậy, tuy đứng đầu về số lượng nhưng DN nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Lo ngại môi trường kinh doanh ảnh 1

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN, cần giải quyết 3 điểm vướng cơ bản. Thứ nhất là, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là giảm gánh nặng chi phí giao dịch để không làm suy giảm tinh thần cạnh tranh và làm nản lòng tinh thần khởi nghiệp cũng như sức sáng tạo, nhìn xa trông rộng của DN. Thứ hai là, cần tiếp tục rà soát và làm cho tương thích hệ thống pháp lý và cách ứng xử pháp lý của Việt Nam với các cam kết quốc tế, trong đó có các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như TPP, EVFTA… Thứ ba là, phải khơi dậy tinh thần ý chí tinh thần khởi nghiệp của DN.

Chuyên đề