Làn sóng FDI mới sẽ tạo áp lực lớn lên ngành chăn nuôi trong nước

(BĐT) - Khi bước vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các FTA khác, lĩnh vực chăn nuôi trong nước được dự báo sẽ gặp sóng gió vì yếm thế nhất. Vậy, ngành này có chiến lược gì để “vượt sóng”?
Hạn chế về vốn là rào cản lớn đối với đa số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước Ảnh: Tất Tiên
Hạn chế về vốn là rào cản lớn đối với đa số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước Ảnh: Tất Tiên

Hướng đến chuỗi giá trị

Theo giới phân tích kinh tế, có 3 yếu tố tác động trực tiếp của TPP, AEC hay các FTA khác với ngành chăn nuôi Việt Nam là giá, chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, với hàng rào thuế quan giảm dần, các sản phẩm thực phẩm gia súc, gia cầm ngoại có nguy cơ sẽ ào ạt tràn vào Việt Nam và tác động mạnh đến tập quán của người tiêu dùng.

Cộng theo đó là làn sóng đầu tư ngoại mới vào ngành chăn nuôi. Nhất là ngành này đang bị phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ khâu giống, thức ăn, cho đến sản xuất.

Điều này đang tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nếu chậm tái cơ cấu. Lo nhất là cạnh tranh gay gắt từ khối ngoại sẽ tác động nặng nề đến hàng chục nghìn trang trại và hàng nghìn doanh nghiệp chăn nuôi nội địa, nguy cơ phá sản khó tránh khỏi.

Nếu vậy, từ bây giờ, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi nội địa nên chọn hướng đi nào để vượt qua thách thức?

Phát biểu gần đây tại một hội nghị về phát triển nông nghiệp ở phía Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi TPP có hiệu lực. Đây là giải pháp phù hợp để tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị gia tăng, có tính khả thi cao, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp tham gia chuỗi.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2015, cả nước có 35/63 tỉnh, thành phố có các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện cả nước đang có 2 hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm.

Đáng chú ý là liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Điển hình triển khai mô hình này thường thuộc về các doanh nghiệp lớn hoặc có vốn nước ngoài.

Còn với liên kết ngang, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho người chăn nuôi (vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi), đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu.

Theo Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị (mô hình khá phổ biến trong hội nhập), sẽ đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Cần hỗ trợ vốn, thu hút đầu tư

Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn nội địa đang thúc đẩy đầu tư cho ngành chăn nuôi đã loé lên tia hy vọng mới cho ngành này khi hội nhập sâu. Chẳng hạn như các “đại gia” Vinamilk, TH Truemilk, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Ba Huân... đang rót nhiều vốn để nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi nhằm có đủ các sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Nhưng đó là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, còn với đại đa số doanh nghiệp chăn nuôi, những hạn chế về vốn lại là rào cản lớn.

Mặt khác, do chăn nuôi trong nước chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định cũng là những thách thức lớn. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn. Chưa kể nhận thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu, thương hiệu chưa cao, chưa tạo thói quen cho người tiêu dùng về việc lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ động vật và sản phẩm động vật.

Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán sản phẩm lên cao, trong khi việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị có thể chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn lưu ý cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi một phần vốn đầu tư ban đầu để xây dựng trang trại và mua sắm các trang thiết bị đầu vào cho các trang trại nằm trong hệ thống gia công.

Các địa phương cũng cần xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể. Hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi khép kín theo chuỗi.          

Chuyên đề