Lần đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn: Trị nhiều căn bệnh trầm kha

(BĐT) - Lần đầu thực hiện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn chắc chắn không thể tránh khỏi còn hạn chế, nhưng kết quả đạt được sau nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là khá rõ rệt. 
Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giúp tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần. Ảnh: Lê Tiên
Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giúp tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều căn bệnh trầm kha của đầu tư công đã và đang được xử lý, như đầu tư công theo kiểu “vung tay quá trán”, bố trí vốn dàn trải, nguồn vốn hạn hẹp nhưng cưa năm xẻ bảy khiến công trình dở dang kéo dài…

Xử lý những tồn tại của giai đoạn trước

Hơn hai năm qua, mặc dù nhu cầu mở rộng đầu tư công tại tất cả các địa phương là cấp thiết và khả năng nguồn vốn trong cả giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn hẹp nhưng Chính phủ đã cương quyết xử lý tổng thể các vấn đề còn tồn tại trong giai đoạn trước đây, như đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn ứng trước chưa thu hồi lớn. Lãnh đạo nhiều địa phương từng chia sẻ rằng, nếu không thực hiện theo Luật Đầu tư công, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì nguy cơ đến nay ngân sách đã vỡ nợ vì đầu tư tùy tiện, tràn lan.

Số liệu từ báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy nhiều kết quả tích cực qua nửa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ mức bình quân 39,4% trong giai đoạn 2011 - 2014 xuống 36,8% trong giai đoạn 2015 - 2017.

Việc ban hành và thực thi Luật Đầu tư công góp phần giải quyết các vấn đề như: đầu tư công ít gắn kết với khả năng ngân sách - một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ công tăng; đầu tư công chưa cân nhắc đầy đủ các tác động dài hạn tới việc gia tăng chi tiêu thường xuyên (không cân nhắc đầy đủ các chi phí bảo trì, bảo dưỡng, vận hành sau khi dự án hoàn thành) để góp phần nâng cao hiệu quả của đầu tư xã hội nói chung và đầu tư công nói riêng. Hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm từ mức bình quân 6,36 trong giai đoạn 2011 - 2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015 - 2017.

Đặc biệt, việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã được rà soát chặt chẽ; khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối NSNN các cấp, đẩy ngân sách Trung ương vào thế bị động. Báo cáo của Chính phủ khẳng định, sau năm 2020, cơ bản không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và việc ứng trước dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.

Thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng đã giúp các bộ, ngành, địa phương biết rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trung hạn hoàn toàn chủ động trong việc phân bổ, bố trí vốn cho các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo hiệu quả nhất, góp phần khắc phục cơ bản tình trạng bị động, tâm lý ỷ lại, tư tưởng xin cho, tình trạng cắt khúc trong đầu tư, mất cân đối trong bố trí vốn ngân sách. 

Đẩy nhanh giải ngân vốn

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 ước tính đạt tỷ lệ 99,4% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định.

Dù việc giao kế hoạch vốn đã có nhiều cải thiện, tiến bộ, nhưng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một trong những hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn là việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công (5 năm và hàng năm) cho các bộ, ngành và địa phương đôi khi còn bị chậm và thực hiện nhiều lần.

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra việc xác định danh mục các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn nhiều vướng mắc. Còn nhiều dự án, chủ yếu của các địa phương, chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng các địa phương vẫn chưa tiến hành việc rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung nguồn vốn khác. Việc chấp hành các quy định pháp lý, các nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn chưa được nghiêm túc, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục, việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục còn chậm trễ, gây khó khăn cho việc tổng hợp kế hoạch, số vốn chưa được phân bổ, hoặc đã có dự kiến phân bổ nhưng chưa giao được kế hoạch còn lớn.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cơ bản tán thành với những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, UBTCNS chỉ ra một số hạn chế, trong đó có vấn đề tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; việc thực hiện định hướng “khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác” chưa thực sự thành công.

UBTCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chủ nhiệm UBTCNS đề nghị Chính phủ rà soát kỹ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn đã phân bổ, trên cơ sở đó điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Chuyên đề