Làm gì để giữ chân nhà đầu tư Hàn Quốc?

Cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc là rất lớn, nhất là khi hai nước ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Làm gì để giữ chân  nhà đầu tư Hàn Quốc?

Cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc là rất lớn, nhất là khi hai nước ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

IMG

Doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cho rằng, mức tăng lương cơ bản lên 12,4% là hợp lý, không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi

IMG

Ông Đặng Huy Đông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nói đến tác động của tăng lương cơ bản là nói đến mối quan hệ 3 bên, bao gồm Nhà nước - người lao động - doanh nghiệp. Tuy nhiên, lâu nay, khi quyết định tăng lương, chúng ta thường ít chú ý đến cộng đồng doanh nghiệp. Tăng lương không hợp lý dẫn tới tình trạng cải thiện cuộc sống cho người lao động ở chỗ này nhưng đồng thời cũng khiến những người lao động ở nơi khác mất cơ hội việc làm, khi doanh nghiệp không đủ vốn để mở rộng đầu tư ở những nơi khác, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là khi FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Chính phủ Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước trong tương lai”. 

Thông tin về chính sách thu hút FDI của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Việt Nam tập trung thu hút FDI có chọn lọc, tránh việc đầu tư tràn lan bằng mọi giá. Chính phủ tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao bám sát chuỗi giá trị của cụm liên kết ngành để tạo giá trị cao hơn cho Việt Nam. Các FTA và nhất là Hiệp định TPP sẽ mở ra một thị trường khổng lồ, tạo tiền đề tốt để thu hút FDI vào Việt Nam. Để phát huy những lợi thế cạnh tranh và được hưởng ưu đãi từ TPP và các FTAs khác, Việt Nam mong muốn Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin – những ngành mà Hàn Quốc có lợi thế lớn”.

Tăng lương hợp lý và ổn định chính sách

Bày tỏ mối quan tâm đầu tư và đưa ra đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, Công sứ kiêm Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam Park Sang Sik cho biết: “Về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam (khoảng 4.000 doanh nghiệp) đều cho rằng, mức đề nghị tăng lương cơ bản lên 12,4% là hợp lý, không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, “Việt Nam cần có quyết sách rõ ràng hơn về chính sách tiền lương tối thiểu nhằm đảm bảo tính ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; đồng thời bảo đảm tính ổn định về nguồn lao động”.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Về hợp tác đầu tư, Hàn Quốc hiện là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 37,2 tỷ USD, bao gồm 4.110 dự án (tính đến tháng 12/2014). Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký mới và bổ sung của Hàn Quốc tại Việt Nam là 6,2 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu và đóng góp vào tăng trưởng, thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế Việt Nam như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng, dịch vụ lưu trú...

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Việc tăng lương là cần thiết, vì đã hơn 4 năm nay Nhà nước chưa tăng lương tối thiểu, trong khi lương ở khu vực doanh nghiệp đã tăng tới 40%. Thế nhưng, việc tăng lương phải được giải quyết cân đối dưới góc độ tổng hợp như tăng lương phù hợp với năng suất lao động, lạm phát, bảo đảm đời sống và bảo đảm mức chịu đựng của doanh nghiệp. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị: “Nhà nước cần giãn lộ trình thực hiện tăng các chi phí liên quan tới tiền lương tối thiểu như bảo hiểm xã hội, chi phí phi công đoàn…”.

Để thu hút đầu tư và giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, ông Cấn Văn Lực – Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho rằng, chính quyền địa phương cần phải hỗ trợ bố trí mặt bằng, an ninh, phát triển dịch vụ hỗ trợ một cách bài bản. Từ đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng các chung cư, ký túc xá cho công nhân, giúp công nhân ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. “Ngân hàng sẵn sàng tài trợ vốn để doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”, ông Cấn Văn Lực cam kết.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho rằng, cùng với việc bố trí đất để doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân, chính quyền địa phương cần chủ động phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ, hình thành nên những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã cung cấp dịch vụ hỗ trợ, từ đó tạo nên một khu sinh thái thu hút công nhân, giúp cả doanh nghiệp và công nhân yên tâm hơn trong đầu tư, kinh doanh và ổn định công việc.

Trần Nam

Chuyên đề